Ứng cứu châu Âu: Bàn cờ Pháp - Đức

Cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 23-10 chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về các biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng EUR (Eurozone). Thay vào đó, 17 nước Eurozone phải tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh khác vào ngày 26-10 để đưa ra những quyết định cuối cùng, trong đó Pháp và Đức có tiếng nói rất quan trọng.

Cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 23-10 chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về các biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng EUR (Eurozone). Thay vào đó, 17 nước Eurozone phải tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh khác vào ngày 26-10 để đưa ra những quyết định cuối cùng, trong đó Pháp và Đức có tiếng nói rất quan trọng.

Nâng EFSF lên 2.000 tỷ EUR?

Tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 23-10, lãnh đạo của 27 nước thành viên EU tập trung bàn về vấn đề tái cấp vốn cho các ngân hàng trong khu vực.

Những vấn đề then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ như tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), gói ứng cứu thứ 2 cho Hy Lạp hay sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc tái cấu trúc nợ Athens... đều được “chuyển” sang bàn hội nghị ngày 26-10.

Trước đó, ngày 21-7, các lãnh đạo châu Âu nhất trí tăng quyền cho EFSF. Theo đó quỹ này có thể được dùng để mua lại nợ trên các thị trường cấp 2 và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này, EFSF cần tăng vốn cao hơn gấp nhiều lần so với 440 tỷ EUR hiện nay.

Theo một bài viết trên tờ Guardian (Anh) hôm 18-10, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã đồng ý sẽ nâng quỹ này lên 2.000 tỷ EUR.

Theo kế hoạch, EFSF phải chi 26 tỷ EUR cho việc ứng cứu Bồ Đào Nha, 17,7 tỷ EUR cho Ireland và có thể đến 109 tỷ EUR cho gói ứng cứu thứ 2 dành cho Hy Lạp. Trong gói ứng cứu cho Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chi 1/3 như ở gói ứng cứu thứ nhất, còn EFSF sẽ chi 72,6 tỷ EUR cộng với 35 tỷ EUR nữa cho các khoản giải ngân còn lại của chương trình này.

Như vậy, chỉ các khoản ứng cứu có trong kế hoạch đã ngốn hết 151,3 tỷ EUR. Ngoài ra, EFSF còn có nhiệm vụ tái cấp vốn cho các ngân hàng, mà theo ước tính sẽ tốn khoảng 100 tỷ EUR. Giả như các ngân hàng ở Đức và Pháp không cần đến sự hỗ trợ của EFSF, quỹ này cũng tốn khoảng 50 tỷ EUR. Như vậy, EFSF chỉ còn lại 237,8 tỷ EUR. Vậy, EFSF dựa vào đâu để có thể “nâng cấp” lên 2.000 tỷ EUR?

Cù cưa

Một ý tưởng được Pháp ủng hộ là biến EFSF thành một ngân hàng được hỗ trợ bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, ECB và Đức cùng phản đối điều này vì lo ngại nó sẽ bị mất tính độc lập và có thể vi phạm các hiến chương châu Âu.

Ủy viên phụ trách Kinh tế và tiền tệ của Ủy ban châu Âu (EC), Olli Rehn nói rằng việc tái cấp vốn cho EFSF từ ECB sẽ rất khó khăn. “Chúng ta phải cân nhắc liệu Hiệp ước EU có cho phép điều đó hay không” - Rehn phát biểu trên tờ Handelsblatt của Đức.

Một Eurozone yên bình chỉ còn là ảo tượng? (Nguồn: Economist)

Một Eurozone yên bình chỉ còn là ảo tượng? (Nguồn: Economist)

Đức lại thiên về việc sử dụng chức năng mới của EFSF, là có thể bảo đảm việc phát hành nợ mới ở Eurozone (từ 20-30%). Chẳng hạn, khi Italia muốn phát hành 10 tỷ EUR trái phiếu, EFSF có thể bảo đảm 20% giá trị của trái phiếu với 2 tỷ EUR.

Như vậy, Italia có thể huy động được 50 tỷ EUR trái phiếu mà EFSF chỉ mất có 10 tỷ EUR. Mục tiêu của chức năng này nhằm giúp hồi phục niềm tin của thị trường trong khi có thể nâng giá trị của EFSF lên 1.000-1.500 tỷ EUR. Tuy nhiên, 440 tỷ EUR của EFSF không thể chỉ dùng cho việc bảo đảm nợ mới phát hành của Italia hay Tây Ban Nha.

Và người ta cũng không chắc liệu điều đó có phục hồi được niềm tin hay càng khiến thị trường hoang mang. Mặt khác, Pháp đang lo ngại bất kỳ một bước đi sai lầm nào của EU cũng có thể khiến hạng tín nhiệm AAA của họ bị mất, như cảnh báo của Moody’s mới đây.

Nếu Pháp mất 3A, đó không chỉ là một cú đấm mạnh vào Tổng thống Sarkozy khi chỉ còn 6 tháng trước cuộc đua tranh chức tổng thống, mà sức ép lên chi phí vay mượn của nước này sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng của EUR. Giới đầu tư sẽ tháo chạy khỏi trái phiếu của các nước Eurozone.

Nó cũng ảnh hưởng đến EFSF, vì Pháp và Đức chính là 2 nước đóng “vai chính” trong quỹ này. “Nếu thị trường ứng xử với Pháp như Italia, cuộc khủng hoảng sẽ càng trầm trọng hơn” - theo Thomas Klau, Giám đốc Đối ngoại tại Paris của EC.

 Hy Lạp: bỏ ngỏ khả năng vỡ nợ

Phúc trình của bộ ba (EC, ECB và IMF) nêu rõ những nghi ngờ về khả năng gồng gánh nợ của Hy Lạp. Ngày 21-7, các bên nhất trí rằng các định chế tài chính phải chịu mất bình quân 21% trị giá trái phiếu của Hy Lạp mà họ nắm giữ. Nhưng nay, theo tờ EUinside, người ta đang bàn đến tỷ lệ mất mát gấp đôi: 50%.

“Dựa trên những điều cơ bản từ phúc trình của bộ ba về khả năng chống đỡ nợ của Hy Lạp, Đức và Pháp yêu cầu phải có những cuộc thảo luận trực tiếp với khu vực tư để tìm một thỏa thuận hòng nâng khả năng chống đỡ nợ cho Hy Lạp” - thông cáo chung của Berlin và Paris viết.

Vấn đề là thỏa thuận với khu vực tư phải hoàn toàn tự nguyện, nếu không các hãng đánh giá tín nhiệm cảnh báo rằng họ sẽ tuyên bố Hy Lạp bị vỡ nợ. Tuy nhiên, nếu như mất mát 21% có thể được các nhà đầu tư tư nhân ngậm bồ hòn làm ngọt, thì tỷ lệ mất mát 50% khó có thể là “tự nguyện”.

Khi đó, có thể nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 7 đã nói rõ họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để Hy Lạp vỡ nợ nếu đó là cái giá để giảm nợ Hy Lạp xuống mức có thể gồng gánh được.

Các tin khác