Để làm rõ những quy định mới về lệnh vận chuyển điện tử, qua đó giúp các doanh nghiệp sớm thích ứng, cải tiến phương thức quản trị vận tải, chiều 8/8, tại Hà Nội, Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức Tọa đàm "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách."
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 17/TT-BGTVT ngày 15/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; trong đó có quy định về lệnh vận chuyển điện tử.
Lệnh vận chuyển là giấy tờ chứng minh việc các cơ quan có liên quan, đặc biệt là bến xe đã kiểm tra theo quy định và cho phép xe xuất bến. Trước đây, doanh nghiệp phải lưu giữ lệnh vận chuyển giấy, tốn kém chi phí in ấn, photo tài liệu và bất tiện cho lái xe, doanh nghiệp vận tải.
Theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất và được bổ sung quy định chuyển sang lệnh vận chuyển điện tử.
Trong giai đoạn trước mắt, vẫn tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy để doanh nghiệp lựa chọn.
Về nội dung, thông tin trong lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử tương đồng nhau, chỉ khác về cách thức quản lý thông tin của lệnh vận chuyển điện tử thông qua phần mềm, ứng dụng công nghệ. Lệnh vận chuyển điện tử cũng cho phép truyền dữ liệu về doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý bến xe, cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước vấn đề việc áp dụng quy định mới về lệnh vận chuyển có hạn chế được xe dù, bến cóc, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng mỗi giải pháp đều có những hiệu quả nhất định, đóng góp cho mục tiêu chung là lập lại trật tự trong quản lý vận tải, hạn chế bến cóc xe dù.
Trong quy trình bảo đảm an toàn giao thông có quy định chỉ cho xe xuất bến khi đã đủ điều kiện an toàn. Xe xuất bến sẽ gắn với việc giám sát hành trình. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực để mọi hoạt động của phương tiện được quản lý chặt chẽ hơn.
“Tôi không khẳng định đây là chìa khóa để giải quyết tình trạng xe dù bến cóc, bởi việc này cần nhiều yếu tố, từ sự tuân thủ của doanh nghiệp, chuyển đổi số, giám sát hành trình, thanh tra kiểm tra…,” bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.
Còn theo ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh vận tải là xu thế tất yếu, rất cần thiết.
Với chuyển đổi số nói chung và lệnh vận chuyển điện tử nói riêng, đây là biện pháp hiệu quả xử lý tình trạng xe dù bến cóc. Trước đây, khi áp dụng lệnh vận chuyển giấy có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả. Khi ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển giả rất khó xảy ra, sẽ góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tình trạng xe dù bến cóc là vấn nạn lâu nay. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên mở chuyên đề, cao điểm xử lý hành vi có nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng của cơ quan chuyên môn, cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Hiện ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế. Có bến xe gần nhưng người dân vẫn không vào mà sẵn sàng đứng ngoài đường đón.
Cơ quan chức năng nỗ lực đến mấy, tăng chế tài xử phạt mà người tham gia giao thông không ý thức hơn thì không chỉ xe dù bến cóc mà nhiều hành vi vi phạm khác vẫn tồn tại.
Dưới góc độ doanh nghiệp quản lý bên xe, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội chia sẻ các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các quy định, văn bản… để căn cứ thực hiện cho đúng.
Để thực hiện chuyển đổi số, về cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ phải mua sắm trang thiết bị, xây dựng phần mềm. Doanh nghiệp nào mạnh thì có thể tự làm còn không thì phải thuê để xây dựng được phần mềm chuyển lệnh vận chuyển, vé điện tử…
Tuy nhiên, ngoài cơ sở hạ tầng, công nghệ, cần lưu ý, một việc rất quan trọng là đào tạo con người. Với các doanh nghiệp lớn, việc này không quá khó nhưng với doanh nghiệp ở vùng sâu xa, doanh nghiệp nhỏ thì đây là cả vấn đề lớn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp làm về công nghệ thông tin cung ứng dịch vụ chuyển đổi số có nhiều, các doanh nghiệp vận tải có thể tìm kiếm các đối tác để chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp đã thông tin quảng bá trên hệ thống truyền thông, zalo của Hiệp hội vận tải ôtô… Tôi cho rằng lực lượng doanh nghiệp làm chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải không thiếu.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp từ trung bình trở lên rất đón nhận nhưng các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn, vào cuộc chậm. Tuy nhiên, kể cả trường hợp các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng công nghệ, thì hiệu quả có tốt hay không còn phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan và đơn vị quản lý nhà nước. Hạ tầng của cơ quan quản lý nhà nước đã đủ sức để nhận các dữ liệu này hay chưa?. Chúng tôi cho rằng có thể phải nửa năm nữa mới có thể sắp xếp mọi thứ về trật tự.
Là địa phương mong muốn có kết quả đi đầu trong việc áp dụng chuyển đổi số vào quản lý kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ Sở sẽ tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số, cố gắng kết nối, giới thiệu các đơn vị có thể cung cấp phần mềm cho các đơn vị vận tải, để sớm thực hiện Thông tư 17/TT-BGTVT và nhiều vấn đề liên quan như hợp đồng điện tử, vé điện tử.