
Ngày 2/4/2025, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng với Việt Nam là 46%. Sau đó, Tổng thống Mỹ hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam. Mức thuế tạm thời đang áp với Việt Nam là 10%.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4 năm 2025 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm các nước mà Mỹ ưu tiên đàm phán, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia. Dự kiến ngày 1/5/2025, Đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam sẽ sang Mỹ làm việc với các cơ quan liên quan về đàm phán thương mại song phương Việt - Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực đàm phán của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kỳ vọng: “Những giải pháp xúc tiến thương mại Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của chúng ta rất lớn nhưng so với các nước thì chất lượng hay nguồn lực để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp chưa biết khai thác thị trường, nhưng từng doanh nghiệp khai thác thị trường mới rất khó. Nên tôi cho là vai trò của Nhà nước, những khoản hỗ trợ đầu tư của Nhà nước có lẽ phải ước tính một kim ngạch xuất khẩu để lấy một nguồn lực để xúc tiến thương mại, làm sao các cơ quan xúc tiến thương mại, các quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại phải mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều”.
Chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, trong nguy luôn có cơ. Bối cảnh thách thức hiện nay cũng là thời điểm để doanh nghiệp nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia khuyến nghị: “Hãy tận dụng thật tốt các FTA đang có, 17 FTA mới khai thác được 31% các ưu đãi trong đó, còn 69% là rất nhiều dư địa. Doanh nghiệp lúc này phải đa dạng hóa, phải tăng sức chống chịu, đặc biệt liên quan đến mức độ nội địa hóa. Đây là điều tốt, rất tốt về lâu về dài, để tăng sức đề kháng và là cơ hội để tái cơ cấu năng lực của mình”.
Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, đây không phải lần đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với khó khăn và đã nỗ lực để vượt qua, như giai đoạn Covid-19. Do đó, doanh nghiệp cần đoàn kết và chung sức vượt qua thách thức hiện nay, nắm bắt cơ hội phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.