Trong một tuyên bố hôm thứ Ba 9-6, ông Pompeo cáo buộc gã khổng lồ ngân hàng có trụ sở tại London đã “đồng lõa với chiến thuật bắt nạt cưỡng chế” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Vương quốc Anh.
Sự chỉ trích của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ được đưa ra sau khi một trong những cổ đông lớn nhất của HSBC và Standard Chartered Plc bày tỏ sự khó chịu với quyết định của các ngân hàng để hỗ trợ luật pháp mà không biết các quy định và cách chúng sẽ được sử dụng như thế nào.
“Đặc biệt, sự áp đặt của ĐCSTQ đối với HSBC nên đóng vai trò là một câu chuyện cảnh báo. Điều đó cho thấy sự uốn mình dường như đã khiến HSBC được một chút xem trọng ở Bắc Kinh, nơi tiếp tục sử dụng hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Trung Quốc như một đòn bẩy chính trị chống lại Luân Đôn”, ông Pompeo nói.
Cổ phiếu của HSBC đã giảm 1,4% vào thứ Tư 10-6 tại Hồng Kông, so với mức tăng 0,7% trong chỉ số Hang Seng Index vào lúc 10:13 sáng.
Một phát ngôn viên tại Hồng Kông của HSBC đã từ chối bình luận. Đại diện của Tập đoàn bảo hiểm Ping An và Tập đoàn Vanguard, hai nhà đầu tư lớn của HSBC, cũng từ chối bình luận.
Rủi ro chính trị
Tuyên bố của ông Pompeo cho thấy các công ty gặp khó khăn như thế nào trong việc quản lý rủi ro chính trị trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
HSBC và Standard Chartered đều có trụ sở tại London, nhưng kiếm được phần lớn lợi nhuận ở châu Á. Hồng Kông chiếm hơn 12 tỷ đô la lợi nhuận trước thuế của HSBC năm ngoái.
Chính phủ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng trở nên quyết đoán trong nỗ lực buộc các quốc gia, công ty và cá nhân nước ngoài ủng hộ áp đặt của Bắc Kinh ở những nơi như Hồng Kông và Đài Loan.
Năm ngoái, giám đốc điều hành của Cathay Pacific Airways Ltd. đã từ chức sau khi Trung Quốc khiển trách hãng hàng không có trụ sở tại Hồng Kông vì nhân viên của họ tham gia vào một làn sóng lịch sử của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.