Các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại sau khi Mỹ thông báo về ca nhiễm virus Omicron thứ hai ở quốc gia này. Mỹ, Đức cùng nhiều nước trên khắp thế giới đã lên kế hoạch đưa ra những quy định chống Covid-19 chặt chẽ hơn để ngăn chặn khả năng lây lan của virus Omicron. Tuy nhiên, những bằng chứng cho thấy virus Omicron dường như không nguy hiểm như nhiều người lo sợ đã giúp trấn tĩnh tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán và các tài sản rủi ro khác.
Mazen Issa, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của TD Securities ở New York cho biết: "Báo cáo về việc làm – chúng tôi dự đoán là sẽ đạt mức cao – có thể là một yếu tố khác nữa giúp đưa USD trở lại xu hướng tăng giá".
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà kinh tế Phố Wall ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 550.000 việc làm mới trong tháng 11.
Tuy nhiên, biên độ dao động trong ngày của USD bị giới hạn do các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu về số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 11 của Mỹ, sẽ công bố vào cuối ngày 3/12.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ những đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - kết thúc phiên 2/12 tăng 0,1% lên 96,131, đảo ngược xu hướng giảm trong gần suốt phiên này.
Tuần trước, chỉ số đã giảm ngay sau thông tin về sự xuất hiện của virus Omicron, mặc dù chỉ số này vẫn ở mức gần cao nhất 16 tháng, là 96,938 đạt được vào tháng trước.
Simon Harvey, nhà phân tích thị trường tiền tệ cao cấp thuộc Monex – trụ sở ở London - cho biết: "Rất có khả năng dữ liệu việc làm cao sẽ đẩy USD mạnh lên nữa, nhưng tác động của việc công bố dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp trước khi bước sang tháng 12 bị che mờ bởi những lo ngại về virus Omicron".
Ông Harvey cho biết: "Đồng đô la trong gần suốt phiên này giảm so với đồng euro, đồng bảng Anh và đồng franc Thụy Sĩ, song nên xem xét hiện tượng này trong bối cảnh biên độ dao động của các cặp tiền tệ này gần đây rất hẹp".
Cũng theo ông Harvey: "Trong khi đó, khả năng giảm giá hơn nữa của cặp đô la/yên dường như sẽ không xảy ra. Điều này cho thấy việc Dollar index giảm trong phiên này không cho thấy đó sẽ trở thành xu hướng rõ ràng".
Trên thực tế, đồng USD đã hồi phục sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27/11 đã tăng 28.000 lên 222.000, nhưng thấp hơn mức dự báo là 240.000.
Đồng USD tăng 0,4% so với đồng yên lên 113,155 JPY. Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,2% lên 1,3298 USD, còn đồng euro giảm 0,2% so với USD xuống 1,1295 EUR.
Ngân hàng Scotiabank trong thông báo mới đây cho biết đồng euro "vẫn được ưa chuộng như một loại tiền tệ bán trú ẩn." Kể từ khi xuất hiện thông tin về virus biến thể Omicron vào tuần trước, đồng euro đã tăng 0,9% so với USD tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngân hàng này dự đoán trong ngắn hạn euro sẽ tiếp tục giảm, xuống ngưỡng 1,10/11 USD do các nguyên tắc cơ bản về tỷ giá và kinh tế trong ngắn hạn yếu, nhưng sự không chắc chắn về virus Omicron sẽ giữ tỷ giá này trong phạm vi 1,12-1,14 USD vào lúc này.
Đồng crown Thụy Điển đang hoạt động kém nhất trên thị trường ngoại hối do một số thương nhân đang chú ý đến tình hình thương mại trong ngắn hạn ở Châu Âu và tìm cách bán crown đi.
Sự sụt giảm hơn 5% của đồng crown trong tháng 11 so với đồng bạc xanh diễn ra vào thời điểm khi đồng euro EUR tăng giá nhờ một đợt bán khống từ phía các quỹ đầu cơ, vốn trước đây đã tăng đặt cược ngắn vào đồng tiền này.
Sự giảm giá mạnh trong tháng 11 đã khiến crown trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay, với mức giảm hơn 10%, thậm chí còn tệ hơn cả yen Nhật – đồng tiền gần đây gặp nhiều khó khăn.
Tiền Thụy ĐIển giảm giá mạnh nhất trong số các tiền tệ chủ chốt.
Các công cụ theo dõi biến động tiền tệ vẫn ở mức cao nhất trong vòng nhiều tháng, cho thấy những động thái lớn vẫn có thể sắp xảy ra.
Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi để có thông tin rõ ràng hơn về việc Fed sẽ giảm tốc độ mua tài sản nhanh đến mức độ nào, giữa lúc các các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng đang chật vật giảm kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 1/12 đã nhắc lại rằng ông và các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét hành động nhanh hơn tại cuộc họp ngày 14-15/12.
"Chủ tịch Powell trong tuần này đã báo hiệu rõ ràng rằng Fed đang trở nên lo lắng hơn trước do lạm phát cao kéo dài, và nhấn mạnh rằng họ đã sẵn sàng hành động bằng chính sách để giải quyết rủi ro tăng đối với lạm phát", các nhà phân tích của MUFG FX cho biết, và khẳng định rằng: "Các bình luận (của ông Powell) đã cho thấy những chỉ báo rõ ràng rằng Fed có khả năng đẩy nhanh tốc độ giảm dần QE vào tháng 12".
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin dao động trong biên độ hẹp, từ 56.000 – 57.000 USD trong 24 giờ qua, trong khi Ether dao động trong khoảng 4.500 – 4.600 USD. Trong vòng 24 giờ qua, giá Ether có thời điểm chạm ngưỡng 4.761 USD, nhưng vẫn chưa thể xô đổ kỷ lục 4.859 USD thiết lập gần một tháng trước đó.
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.
Giá vàng giảm mạnh, mất hơn 1% xuống mức thấp nhất một tháng do các nhà đầu tư nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ xoay trục sang hướng thắt chặt với tốc độ nhanh chóng để kiềm chế giá tiêu dùng tăng mạnh kéo dài.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 2/12 giảm 1,1% xuống 1.764,00 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 1,2% xuống 1.762,70 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết: "Sự thay đổi chính sách của Fed và ám chỉ rằng những lo ngại về lạm phát giảm dần sẽ ‘đánh tan cánh buồm’ tăng giá (của mặt hàng vàng)". Ông cho rằng giá dầu thô giảm có thể cũng cho thấy áp lực lạm phát đang dịu lại.