Đồng USD tăng mạnh trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong vòng một năm so với các đồng tiền đối tác chủ chốt do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm kích thích kinh tế từ tháng 11 (giảm mua trái phiếu nợ) và tăng lãi suất - có thể vào cuối năm 2022.
Điều đáng ngạc nhiên là USD liên tục lập những kỷ lục cao mới bất chấp việc Washington vẫn đang bế tắc về mức trần nợ của Mỹ, có nguy cơ khiến Chính phủ nước này phải đóng cửa.
Chỉ số Dollar index – so sánh đồng tiền của Mỹ so với rổ sáu loại tiền tệ chủ chốt khác – trong phiên vừa qua có lúc đạt 94,435, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, kết thúc phiên vẫn tăng 0,7% so với đóng cửa phiên trước, đạt 94,404.
Erik Nelson, chiến lược gia vĩ mô thuộc Wells Fargo ở New York, cho biết: "Tuần trước Fed đã có thái độ thiên về ‘diều hâu’ hơn, dự kiến tăng lãi suất nhiều hơn… và có vẻ lo lắng hơn về lạm phát cao kéo dài". Theo ông: "Đối với tôi, đó là những gì giúp đồng đô la duy trì giá cao." Ông Nelson cho rằng USD sẽ còn tiếp tục tăng thêm 2% đến 3% nữa.
Đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới, được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm thị trường căng thẳng, đã mạnh lên trong những ngày gần đây khi các nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào mối lo ngại về suy thoái toàn cầu, giá năng lượng tăng và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Các nhà giao dịch cũng lo ngại rằng Fed sẽ bắt đầu rút lại những chính sách hỗ trợ đã thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng Covid - 19, ngay khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Những nghi ngờ đang xuất hiện về sự phục hồi kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị giảm các chương trình kích thích và chính phủ Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ.
Kit Juckes, chiến lược gia vĩ mô tại Societe Generale, đã viết trong thông báo mới nhất của mình: "Fed đã ‘bắn phát súng đầu tiên’ khởi đầu cho việc bình thường hóa chính sách tiền tệ", và "khi Mỹ thoát khỏi mức lãi suất bị ràng buộc thì ngân hàng trung ương nước này sẽ vượt lên khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản trong lộ trình nâng lãi suất, thị trường tiền tiết kiệm toàn cầu sẽ được tập trung vào đồng đô la Mỹ, khiến đồng tiền này có thể tăng giá vượt trội so với phần lớn các đồng tiền khác trong năm tới. Điều này có thể sẽ đến sớm hơn thời điểm mà chúng ta mong đợi".
Đà tăng giá của đồng bạc xanh cũng không bị lay chuyển ngay cả khi các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hôm 29/9 đã chặn nỗ lực của các thành viên Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden trong vấn đề giải quyết tình trạng vỡ nợ - có khả năng làm tê liệt tín dụng của Mỹ, khi mà nguồn tài trợ liên bang dành cho ngân sách sẽ hết hạn vào thứ Năm (30/9) Chính phủ Mỹ có thể cạn ngân sách vào ngày 18-10 tới nếu Quốc hội nước này không nâng mức trần nợ công.
Thượng viện Mỹ có thể bỏ phiếu trong ngày 30/9 về một nghị quyết lưỡng đảng để tài trợ cho các hoạt động liên bang đến đầu tháng 12, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết.
Về mặt kỹ thuật, Chính phủ Mỹ đã đạt tới giới hạn nợ nói trên vào tháng 7 vừa qua, buộc Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng "các biện pháp đặc biệt" để ngăn nguy cơ vỡ nợ.
Đồng euro nằm trong số các đồng tiền mất giá phiên vừa qua, có lúc giảm xuống dưới mức 1,16 USD, thấp nhất kể từ cuối tháng 7 năm 2020, kết thúc phiên vẫn giảm 0,8% còn 1,1592 đô la.
Đồng yên ít phản ứng trước việc ông Fumio Kishida được bầu làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, điều khiến ông nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng tiếp theo của đất nước này.
Đồng yên vốn nhạy cảm nhất với lãi suất của Mỹ vì lợi suất của Mỹ cao hơn có thể thu hút dòng chảy từ Nhật Bản. Đồng yên phiên vừa qua đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng so với đồng USD. Cụ thể, USD trong phiên này đã lên tới 112,04 JPY, mức cao chưa từng có kể từ cuối tháng 2 năm ngoái, kết thúc phiên vẫn tăng 0,4% lên 111,99 yên.
Đồng đô la cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 5 tháng so với franc Thụy Sỹ, là 0,9355 CHF, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 0,7% lên 0,9351 USD.
Các nhà giao dịch tiền tệ cũng rất lưu ý đến các bình luận từ lãnh đạo các ngân hàng trung ương lớn trong ngày 29/9 khi họ có bài tham luận tại một diễn đàn của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đều cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng tăng và sự tắc nghẽn sản xuất vẫn tiếp diễn.
Tiền tệ châu Á cũng đồng loạt giảm trong phiên vừa qua, giảm mạnh nhất là baht Thái.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong khi đồng USD suy yếu. Cả hai ngân hàng Goldman Sachs và Nomura điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 do áp lực gia tăng đáng kể từ tình trạng thiếu hụt năng lượng và sản lượng công nghiệp sụt giảm. Theo dự báo mới, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8% năm nay, giảm so với tỉ lệ 8,2% được đưa ra trước đó. Tương tự, Công ty Tài chính Nomura (Nhật Bản) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong 3 tháng cuối năm nay từ 4,4% còn 3%.