Ưu tiên thị trường nội

Đối với đa số DN, việc xây dựng chiến lược phát triển với những dòng sản phẩm riêng, phân khúc tiêu dùng riêng cho thị trường nội địa đều được đặt ra trong kế hoạch kinh doanh chung.

Đối với đa số DN, việc xây dựng chiến lược phát triển với những dòng sản phẩm riêng, phân khúc tiêu dùng riêng cho thị trường nội địa đều được đặt ra trong kế hoạch kinh doanh chung.

Nhưng thực tế, chỉ đến khi kinh tế khủng hoảng, xuất khẩu không được như kỳ vọng, các DN Việt Nam mới bắt đầu nghĩ đến thị trường nội địa và xem đây là một cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, tâm lý "sân nhà dễ tính" còn tồn tại trong nhiều DN đã khiến họ thất bại trong việc tìm đường len lỏi vào thị trường.

Theo nhiều chương trình điều tra, khảo sát để cung cấp thông tin cho DN về xu hướng tiêu dùng cũng như nhận định thực tế của các DN, nhiều mặt hàng Việt Nam dù có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt nhưng lại không có sức hấp dẫn tại thị trường nội địa.

Hành trình quay về sân nhà của các DN nội gặp vô vàn khó khăn không chỉ do hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, mà còn vì mức độ khai thác của DN còn thấp và sự kém chuyên nghiệp khi phân phối cho khách hàng trong nước.

Đáng chú ý là một số DN chỉ xem thị trường nội địa như một nơi để tiêu thụ hàng kém chất lượng. Chẳng hạn với ngành dệt may, hiện có hơn 50% DN chỉ đầu tư vào hoạt động làm hàng xuất khẩu chứ không cung cấp cho thị trường nội địa. Lý do các DN đưa ra là quy mô sản xuất không lớn nên không đủ nguồn lực để đáp ứng cả thị trường trong lẫn ngoài nước.

Trong khi đó, với thị trường xuất khẩu, DN được ký những đơn hàng lớn còn với trong nước chủ yếu là bán lẻ, số lượng ít. Điều đáng nói là nguồn hàng chất lượng cao đều được cung ứng cho các quốc gia khác nhưng nếu hàng lỗi, hàng không bán được tại thị trường nước ngoài lại được mang về Việt Nam tiêu thụ, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Trong vấn đề xem thị trường nội địa là mục tiêu phát triển chính trong kinh doanh, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia điển hình cần học hỏi. Đối với các nước này, hàng hóa được chia thành 3 cấp độ hướng đến những thị trường khác nhau.

Trong đó, nhóm sản phẩm có chất lượng cao nhất được cung cấp cho thị trường trong nước, nhóm sản phẩm loại 2 xuất khẩu đến các quốc gia phát triển và nhóm sản phẩm loại 3 xuất khẩu vào các quốc gia đang phát triển.

Trong khi đó, DN Việt Nam lại đang đi theo hướng ngược lại, nghĩa là ưu tiêu xuất khẩu sau đó mới đến thị trường nội địa. Hàng hóa lưu hành nội địa là những sản phẩm kém chất lượng, hàng ế, khiến người Việt không mặn mà sử dụng hàng Việt.

Nếu DN không sớm cải thiện những vấn đề này sẽ dễ rơi vào tình trạng xuất khẩu đã khó nhưng quay về sân nhà cũng không tìm được chỗ đứng.

Các tin khác