Năm 2022 GDP tăng 6-6,5%
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Quốc hội quyết nghị tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6-6,5%; GDP bình quân đầu người 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo khoảng 25,5-25,8% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,5%...
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết nêu rõ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch…
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ và kiểm soát việc phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đã được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế. Đồng thời, chỉ tiêu này có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022, do đó xin Quốc hội cho giữ như dự thảo” - ông Thanh nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, việc Bộ Tài chính đề xuất gói hỗ trợ lãi 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023 là cần thiết.
Gói hỗ trợ này, nếu được thông qua và triển khai nhanh, sẽ là mũi tên trúng 2 đích: vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu kép. Với gói đầu tư công cần tập trung các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ.
Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025
Tại Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được đưa ra, như tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm; nâng tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP…
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay Chính phủ đang xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên việc xác định chính xác mức bội chi ngay tại nghị quyết này chưa khả thi.
“Do đó kiến nghị Quốc hội vẫn tiếp tục thực hiện mức bội chi ngân sách nhà nước 3,7% GDP đến khi Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội cho giữ các mục tiêu, chỉ tiêu khác như Chính phủ đề xuất, đến đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết giữa kỳ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế điều chỉnh cho phù hợp” - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết.
Về con số 1,5 triệu doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, con số này được tính toán dựa trên cơ sở tốc độ thành lập doanh nghiệp vừa qua. Đặc biệt, bộ sẽ thể chế hóa, luật hóa khu vực 5 triệu hộ kinh doanh với 8 triệu lao động. Tại nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề xuất bổ sung hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp nhưng Quốc hội đề nghị nên tách ra thành luật riêng.
“Chúng tôi sẽ xây dựng luật riêng để phát huy tiềm năng lợi thế khu vực này, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp” - ông Dũng nói và cho biết mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề của Quốc hội, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12-2-21 hoặc đầu tháng 1-2022, để xem xét về kế hoạch phục hồi kinh tế do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo. Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội |