Thông tin này được TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết sáng 8-11, tại Hội thảo về vai trò của lao động di cư trong nước đối với sự phát triển TPHCM và giải pháp chính sách về vấn đề việc làm - lao động trong tình hình mới.
Theo TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, Chủ nhiệm đề tài "Lao động di cư trong nước đến TPHCM giai đoạn 2019-2022 - Thực trạng và giải pháp". Đề tài đề cập đến các giải pháp, chính sách về vấn đề việc làm - lao động trong thời điểm đại dịch Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế với sự đóng góp của lao động di cư.
Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn lao động di cư đến từ khu vực nội thành của thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (chiếm 68,8%), chỉ 22,3% đến từ khu vực nông thôn và số ít còn lại đến từ các thị trấn.
TS. Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết, những thách thức chủ yếu mà lao động di cư nội địa gặp phải, bao gồm chi phí sinh hoạt cao, thiếu chỗ ở và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục.
Các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ hiện chưa đủ khả năng đáp ứng một cách bền vững cho các nhu cầu về điều kiện sống và làm việc của lao động di cư tại TPHCM. Lao động di cư trong nước chưa có hộ khẩu thường trú tại TPHCM.
Tác động của cơ cấu lao động di cư đã và đang gây áp lực lên thị trường lao động, hạ tầng và dịch vụ đô thị. Còn tình trạng bất bình đẳng trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư.
Từ thực trạng như trên, theo đó, đề tài hướng tới mục tiêu tổng quát để đánh giá vai trò của lao động di cư đối với sự phát triển của TPHCM và hiệu quả thụ hưởng chính sách của lao động di cư; cũng như đề xuất giải pháp về quản lý lao động di cư và chính sách thu hút lao động di cư trong nước đến TPHCM.