Cũng như 2019, nhóm DN bất động sản (BĐS) vươn lên dẫn đầu về tỷ trọng và lãi suất phát hành tăng ở hầu hết nhóm. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hoạt động huy động vốn của các TCTD trong quý I-2020 chỉ tăng 0,51%, thấp hơn mức 1,72% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kênh huy động TPDN lại tăng trưởng đến 39%. Ông nhận định gì về hiện tượng này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong quý I-2020, tăng trưởng huy động xuống thấp vì trong bối cảnh dịch bệnh người dân có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu chi tiêu đột biến, tích trữ thực phẩm và tâm lý an toàn, những người bị mất việc làm rút tiền ra để sử dụng. Đồng thời, các DN cũng gặp khó khăn, doanh thu giảm sút, phải rút tiền ra để trang trải hoạt động. Vì vậy, nguồn huy động của các NH cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư (NĐT) luôn có xu hướng đi tìm kênh lợi nhuận cao. Thời gian qua thị trường chứng khoán giảm sâu, nhiều NĐT chứng khoán đã bán cổ phiếu và dùng tiền đó để tìm kiếm kênh đầu tư khác. Cùng lúc, các DN cũng tung ra khối lượng lớn TPDN với lãi suất cao để tạo sức hấp dẫn. Mức lãi suất chênh lệch 3-4% so với lãi suất tiền gửi, đã thúc đẩy NĐT cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường này. Chính vì điều này, TPDN trong quý I đã tăng trưởng cao.
Ảnh minh họa.
- Trong quý I, nhóm DN BĐS phát hành hơn 23.200 tỷ đồng TPDN (chiếm 49% khối lượng phát hành toàn thị trường), tăng 9,8% so với cùng kỳ, lãi suất phát hành bình quân 10,77%/năm. Đã có ý kiến lo ngại bất ổn khi DN BĐS khát vốn huy động TPDN lãi suất cao, thưa ông?
- Từ năm 2019 đến nay, TPDN đặc biệt TPDN BĐS bùng nổ. Đây là vấn đề cần quan tâm vì thị trường TPDN của Việt Nam vẫn chưa đi vào quỹ đạo. Nhiều DN có báo cáo tài chính thiếu sót nhưng đẩy lãi suất lên cao để thu hút NĐT. Phát hành TPDN dĩ nhiên là giải pháp giảm bớt gánh nặng cho NH cũng như giải quyết nguồn vốn cho DN.
Vì thế, NH cho vay rất cẩn trọng, nhưng cũng không thể vì vậy để TPDN phát triển thiếu kiểm soát. Trở lại với tình hình hiện nay, các DN BĐS đang gặp khó khăn nên phát hành TPDN với lãi suất tương ứng với mức độ rủi ro của họ, tức lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung. Trong khi đó, rất nhiều NĐT chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nên lãi suất TPDN càng cao càng hấp dẫn. Đây là điều rủi ro cho NĐT.
Theo tôi, không nên chạy theo lợi nhuận mua TPDN của các DN BĐS phát hành lúc này, muốn mua cần xem xét kỹ một số tiêu chí. Đầu tiên, để đầu tư vào TPDN an toàn phải hiểu nhà phát hành đó là ai. Thứ hai, NĐT phải xem báo cáo tài chính của họ trong những năm vừa qua và quý I-2020, so sánh những số liệu giảm hoặc tăng so với cùng kỳ 2019 để nhận định về tình hình kinh doanh của họ.
Nếu tình hình tài chính của các nhà kinh doanh BĐS thể hiện trên báo cáo tài chính ổn định có thể mua. Nếu DN không có báo cáo tài chính hoặc tình hình kinh doanh kém khả quan phát hành TPDN với lãi suất cao, độ rủi ro cho NĐT rất lớn.
- Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 quy định về phát hành TPDN. Quan điểm của ông như thế nào về việc sửa đổi này?
- Sửa đổi Nghị định 163/2018 có một số điểm đáng chú ý như đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất, đợt phát hành TP sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, lãi suất phát hành TP không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015.
Theo tôi, về khối lượng phát hành, cần quy định rõ tổng dư nợ TPDN của nhà phát hành không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất. Vì nếu tổng khối lượng phát hành TPDN các đợt lên đến 4-5 lần vốn chủ sở hữu sẽ rất cao.
Nghĩa là phải xem xét trên tổng thể, phải có quy định trên tổng thể số nợ của nhà phát hành trên vốn chủ sở hữu, tổng khối lượng TPDN trên sổ sách cộng với đợt phát hành mới chia cho vốn chủ sở hữu không được vượt quá tỷ lệ 3:1, không chỉ tại thời điểm phát hành. Đồng thời cần quy định những công ty được phát hành TPDN đã được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán độc lập. Lời bình trong thư quản lý của các công ty kiểm toán cho DN không nêu lên những vấn đề làm giới hạn tình hình và khả năng tài chính của các công ty mà họ kiểm toán.
Về khoảng cách giữa 2 kỳ phát hành phải cách nhau 6 tháng là không cần thiết. Vì có những DN phát hành với tần suất quá nhiều lần trong 1 năm, có thể dùng tiền huy động để đảo nợ, trả các khoản nợ trước. Nhưng cũng có trường hợp lần đầu DN phát hành không đủ nhưng vẫn còn điều kiện phát hành, 3 tháng sau họ vẫn có thể phát hành thêm.
Lại có trường hợp DN phát hành 2 đợt cách nhau 1 năm nhưng tình hình tài chính của DN đó không đảm bảo được sự ổn định. Do đó, trong việc phát hành TPDN, muốn an toàn cần phải nhìn tổng thể, đưa ra những quy định chặt chẽ về tình hình tài chính của DN phát hành, còn tần số phát hành bao nhiêu không quan trọng.
Về lãi suất, Luật Dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 468), quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, là áp dụng cho cá nhân vay. Còn đối với TPDN, các DN không vay NH mà từ xã hội, từ NĐT. Vậy có nên áp dụng mức lãi suất không vượt quá 20%?
Tôi nghĩ không nên vì mức 20% rất cao, nếu khống chế ở trần đó tức cho phép các DN phát hành ở mức 19-20%/năm. Mức lãi suất đó thời điểm này rất rủi ro cho cả người phát hành và NĐT vì DN dùng lãi suất đó đang rất cần vốn. Vì thế, không thể áp dụng quy định này mà cần có quy định riêng phù hợp hơn.
- Xin cảm ơn ông.
TPDN tại Việt Nam có rủi ro cao vì nhiều NĐT chạy theo lãi suất, đẩy họ vào bẫy rủi ro không được thanh toán gốc và lãi khi đến hạn. Để thị trường TPDN phát triển an toàn cần những quy định chặt chẽ nhưng phải phù hợp. |