Theo kết quả nghiên cứu do Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Công ty Phân tích thời gian thực thực hiện, tính đến ngày 6/10/2023, trong tổng số 705 Uỷ ban nhân dân cấp huyện trên toàn quốc, có 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng hơn 16% so với năm 2022; có 65,2% công khai kế hoạch sử dụng đất; 73% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương.
“Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, đã thực hiện được bốn năm, nhưng còn 17% các tỉnh chưa việc công bố, trong khi các tỉnh đã ban hành rồi. Nhóm nghiên cứu nên đào sâu hơn tại sao còn 17% chưa công bố trong khi việc công bố rất đơn giản, đó là trách nhiệm của cấp tỉnh”, bà Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Còn theo ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi, công khai cần gắn với sự thuận lợi, dễ hiểu cho người dân trong tiếp cận thông tin về đất đai: “Tôi rất mong các nhà hoạch định chính sách chỉ rõ cho dân biết nếu muốn tìm thông tin về sổ đỏ thì hỏi ai, ở đâu hay khi có kiện tụng về đất đai thì hỏi ai, ở đâu. Đấy là điều mà chúng ta có thể cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật hay quy chuẩn kỹ thuật thì tôi nghĩ rất có ý nghĩa trong việc giám sát trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước mà ở góc độ người dân cũng giúp chúng tôi hiểu rõ”.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, tính cuối năm 2023, có 23,7% số cơ quan cấp huyện nhận được yêu cầu đã cung cấp thông tin, 1,1% từ chối, 5,3% có phản hồi khác nhưng không cung cấp thông tin và 67,9% không phản hồi. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của người dân vẫn ở mức cao.