Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa DN; Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động; Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đương nhiên, đây không phải là định hướng duy nhất về vấn đề xây dựng văn hóa DN, nhưng là một trong những khung có tính khái quát cao, mang tính pháp quy, cần được nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp. Từ quy định này, có thể khái quát các tiêu chuẩn chủ yếu. Thứ nhất, DN phải hoạt động có hiệu quả, tức làm ăn có lãi.
Suy cho cùng, lợi nhuận của DN phải là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thậm chí đứng đầu, để hình thành nên văn hóa DN. Nếu DN làm ăn thua lỗ, không thể có uy tín, không thể bảo đảm đời sống cho người lao động, không thể phục vụ khách hàng…, thì văn hóa của DN đó chẳng qua gọi cho vui.
Nhưng nếu DN chỉ chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ hoặc bỏ qua các yêu cầu khác, hoặc giẫm lên lợi ích của các chủ thể khác, không thể coi là có văn hóa DN. Thậm chí, dù DN có thể chia sẻ lợi nhuận đó bằng các hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng cũng chỉ là hình thức, ít nhiều mang tính đối phó và không thể hiện sự thực tâm. Do đó, trên nền tảng hiệu quả, DN phải đồng thời thực hiện các tiêu chuẩn khác phù hợp các quy định pháp luật và tập quán xã hội.
Thứ hai, bảo đảm an toàn và văn minh tại DN. Đó là người lao động phải được tôn trọng, bảo đảm các yếu tố an toàn về thể chất và tinh thần, tạo điều kiện để mọi người không ngừng được phát triển, nâng cao về mặt nghề nghiệp, cống hiến. Đồng thời, DN phải tạo ra được hình mẫu về chăm lo các mặt cho người lao động, bảo vệ và xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ.
Các thành viên trong DN phải được xem là đồng đội gắn kết, đồng hành với nhau, không phải theo mô hình chỉ huy thứ bậc. Có như vậy các thành viên ở cấp thấp cũng không thấy tự ti và luôn mạnh dạn phấn đấu, đề đạt ý tưởng, sáng kiến của mình để triển khai thực hiện.
Thứ ba, bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống cho người lao động tại DN. Người lao động là yếu tố then chốt trong sự tồn tại và phát triển của DN, nên lợi ích của DN phải được chia sẻ với người lao động. Khi đã xem DN là một tập thể, các thành viên trong tập thể đó có quyền và lợi ích cơ bản tương đồng nhau, hạn chế phân biệt đối xử.
Do đó, phải luôn có những giải pháp phù hợp để nâng cao đời sống người lao động về mọi mặt, trong đó chú trọng những cách thức bảo đảm sự tái tạo sức lao động và không ngừng gia tăng năng suất lao động.
Thứ tư, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối, pháp luật… Một DN dù có bảo đảm các yếu tố ở trên nhưng nếu có các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là gian dối trong việc chấp hành quy định về bảo hiểm xã hội và các chính sách chăm lo cho người lao động, về lao động trẻ em, về bảo vệ môi trường, về chính sách thuế, về phòng chống cháy nổ… cũng không thể coi là có văn hóa.
Việc chấp hành pháp luật phải là nền tảng của văn hóa DN. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc chấp hành pháp luật không chỉ hạn chế trong pháp luật Việt Nam, còn liên quan đến pháp luật quốc tế và của các đối tác DN hướng tới.
Xây dựng văn hóa DN trước hết là trách nhiệm của các chủ DN, doanh nhân, trên cơ sở lợi ích của chính mình, của đội ngũ do mình quản lý và lợi ích của cộng đồng. Để thực hiện thành công, các chủ DN cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, xem đó là mục tiêu để phát triển DN bền vững. Tóm lại, văn hóa DN phải tạo nên sự khác biệt của một DN so với các DN khác. Văn hóa DN chính là “giá trị mềm” của DN với tính bền vững có thể vượt xa các loại giá trị khác.