Karaoke - có nguồn gốc từ Nhật Bản - là hình thức hát theo bài nhạc đệm có sẵn với lời được chạy trên màn hình. Được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, nó nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, có ở khắp hang cùng ngõ hẻm từ TP đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, từ trong nhà ra ngoài phố. Việc hát karaoke là thú vị và lành mạnh nếu nó là loại hình sinh hoạt ở trong mỗi khuôn viên gia đình, trong các câu lạc bộ, và nhà hàng, với liều lượng âm thanh được tiết chế vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý. Karaoke tự thân không xấu, nó chỉ là công cụ kỹ thuật, nhưng khi con người lạm dụng nó quá mức để trở thành công cụ tra tấn xã hội, vấn đề không còn là chuyện cá nhân, chuyện nhà tôi hay nhà anh nữa.
Nhiều năm qua, karaoke tràn ngập ra không gian công cộng, trở thành công cụ “tra tấn” con người ở bất cứ thời điểm nào và ngày càng trở nên kỳ quái làm đảo lộn đời sống người dân. Sau ngày làm việc mệt mỏi, người dân về nhà hay ra phố uống ly cà phê chỉ mong có được không gian thư giãn. Nhưng dường như cả TP này đang phải chịu đựng những âm thanh chát chúa, quá cỡ từ tiếng loa thùng nện vào tai muốn vỡ lỗ nhĩ. Ngoài những ca sĩ lang thang đường phố (thường gọi là ca sĩ kẹo kéo) kéo những dàn loa khủng đến các khu hội chợ, quán nhậu, còn có các “ca sĩ” mặt mũi đỏ gay hú hét trong các quán ăn, trong đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi, đám khai trương.
Vui cũng karaoke, buồn cũng karaoke, không vui không buồn cũng karaoke. Việc hát karaoke đã trở thành vấn nạn xã hội, và hệ quả nó mang lại thật khủng khiếp. Đã có nhiều người chết chỉ vì tranh nhau micro, tranh nhau thể hiện “tài năng”, thậm chí có những có trận đâm chém nhau của hàng chục thanh niên xuất phát từ những mâu thuẫn quanh thùng loa karaoke. Thậm chí đã xảy ra chuyện một người hàng xóm không chịu được sự tra tấn tiếng ồn karaoke từ nhà bên cạnh, đã ném “bom xăng” thiêu rụi tòa nhà 3 tầng ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái. Rõ ràng ai cũng thấy đây là vấn nạn cần dẹp ngay và nhanh, không thể chậm trễ được nữa. Nhưng khi đối diện với nó, cấp phường, xã thấy rối khi xử lý.
Về luật đã có. Chẳng hạn tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi hát karaoke sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Song quy định này không dễ thực thi, vì mỗi phường chỉ có 1 cán bộ môi trường lại không đủ tư cách pháp nhân lập biên bản xử phạt mà phải là chủ tịch phường. Còn việc thành lập tổ liên ngành, gồm công an, địa chính, môi trường, văn hóa để tiến hành kiểm tra xử lý, xử phạt lấy đâu ra người, mà nếu có cũng chỉ được kiểm tra, xử phạt sau 22 giờ. Hơn nữa, muốn phạt phải có máy đo tiếng ồn, mà nếu trang bị 1 máy khoảng 3 triệu đồng cho hơn 320 phường, xã toàn TP là khoản kinh phí không nhỏ, chưa kể phải có thêm cán bộ chuyên trách được huấn luyện sử dụng.
Các lực lượng có rồi cũng không dễ phạt. Chẳng hạn, ca sĩ kẹo kéo hát ở nơi giáp ranh 2 phường, hay ở không gian công cộng công viên, quảng trường không thuộc phường quản lý, họ lại di chuyển liên tục qua các địa bàn, quả thật việc phạt là không tưởng. Ở các nước như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản làm gì có chuyện muốn kéo dàn loa di động đi đâu thì đi, muốn hát bất cứ giờ nào, kéo dài đến lúc nào muốn, mở âm lượng cỡ nào cũng được. Nếu anh vi phạm sẽ bị phạt rất nặng khi chiếu theo các loại luật khác nhau khi vi phạm, như môi trường, an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng. Công việc này không giao cho phường, xã mà giao cho cảnh sát môi trường cơ động. Cảnh sát môi trường khi đi tuần tra bắt gặp, hay người dân phản ánh họ đến ngay, trước là tịch thu dụng cụ phát âm thanh để tiêu hủy, sau là phạt tiền, có thể lao động công ích, thậm chí bị tù, hay bị ghi vào lý lịch tư pháp, sau này rất khó cho việc giao dịch dân sự như xin việc, nợ nần, và danh dự.
Ở các nước nói trên, tùy theo tình hình ở mỗi TP, người đứng đầu như thống đốc, thị trưởng có quyền ra các quy định cho phù hợp với bối cảnh và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước nhân dân. Ở đây cần nói rõ, thị trưởng ở các nước phát triển không có quyền lập hiến, lập pháp (đó là việc của quốc hội) nhưng có quyền “lập quy”, tức có quyền ra các quyết định trên địa bàn mình quản lý ở tất cả lĩnh vực quản lý hành chính và phát triển đô thị như thuế, phí, mức phạt, hình thức chế tài, quy hoạch không gian, nhân sự trong bộ máy của mình, và mọi chuyện dân sinh khác… Mục đích cao nhất của thị trưởng là tạo điều kiện và môi trường sống tốt nhất cho người dân. Tất nhiên, nếu quyết định của thị trưởng sai đến mức nào đó người dân có quyền phế truất, vì ông do dân chọn lựa, bầu lên. Để tránh sai sót và quyết định của mình không bị hội đồng TP bác bỏ, ông ta có sự giúp sức của các hội đồng cố vấn.
Vì thế, nếu Chủ tịch UBND TPHCM có quyền lập quy, có quyền ra các quyết định như thành lập cảnh sát môi trường, cảnh sát du lịch và các quyết định xử phạt liên quan đến an ninh trật tự xã hội, mọi chuyện sẽ đơn giản và hiệu quả hơn, không chỉ dừng ở sự bức xúc, quyết tâm chính trị và động viên cấp dưới như hiện nay. Nhìn rộng ra có quá nhiều chuyện ở TP này đang bị nghẽn không biết bao giờ mới thông, như sử dụng xe minibus, dỡ bỏ chung cư cũ nát, hủy bỏ loại xe máy cũ nát, định giá đền bù đất dự án, vấn nạn karaoke… Tất cả mọi chuyện phải xin cấp trên và sự chậm trễ hay không được phép đã làm nhiều cơ hội tốt trôi qua, nhiều hệ lụy thêm trầm trọng. Ngày tết muốn bắn pháo hoa phải xin phép Thủ tướng quả thật là bao cấp quyết định quá nặng, tôi tin chắc Thủ tướng cũng chẳng vui thú gì chuyện này.
Nếu người đứng đầu TP 13 triệu dân này có quyền lập quy theo chế độ thị trưởng, vấn nạn karaoke giải quyết chỉ trong 1 nốt nhạc. Việc phân quyền sâu rộng cần phải được đẩy nhanh hơn, trước hết cho các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Việc này cũng giống như nhiều lần cởi trói cho TPHCM phát triển trước đây.