PHÓNG VIÊN: Thời gian gần đây, báo chí đã lên tiếng rất nhiều về tình trạng xe khách bỏ bến chạy dù đang diễn ra tại các địa phương. Bộ GTVT đánh giá vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông TRẦN BẢO NGỌC: Về nguyên nhân, theo tôi, trước hết là từ các quy định của pháp luật. Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hoạt động vận tải khách có 5 loại hình xe gồm: khách tuyến cố định, buýt, taxi, hợp đồng và du lịch. Việc phân loại này hiện không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình tương tự nhau.
Đã vậy, số lượng bến xe khách ít và lại thường xa khu vực trung tâm đô thị nên tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc phát triển. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen đi lại của người dân cũng có thay đổi, ít sử dụng phương tiện công cộng, thường di chuyển bằng xe cá nhân, hoặc xe nhỏ để tránh lây lan dịch… Từ đó, loại hình xe ghép, rồi xe hợp đồng sức chứa nhỏ (từ 7 đến 16 chỗ) xuất hiện và được hành khách lựa chọn.
Theo ông, trách nhiệm của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước trong việc này như thế nào?
Phải khẳng định là hiện hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm đã có, với những quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương và của các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của một số cơ quan, đơn vị, địa phương không duy trì thường xuyên, nên tình trạng xe hợp đồng và du lịch hoạt động đón trả khách không đúng quy định chỉ giảm, hoặc thay đổi địa bàn hoạt động khi có lực lượng kiểm tra, sau đó phát sinh trở lại.
Như vậy, các địa phương cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng bến cóc, xe dù hoành hành?
Trước mắt, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng vận tải khách lộn xộn trên địa bàn.
Đặc biệt, sở GTVT cần chủ trì tham mưu các địa phương giữ nguyên các bến xe hiện hữu trong nội thành, hạn chế việc điều chuyển ra xa trung tâm đô thị đến năm 2030 để tạo sự ổn định trong hoạt động vận tải hành khách, tạo sự thuận lợi cho người dân; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo bộ chuyên ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó rà soát lại công tác tổ chức giao thông, phân luồng vận tải, đảm bảo có điểm dừng, đón trả khách theo quy định; rà soát hệ thống báo hiệu giao thông có biển cấm xe khách (trừ xe tuyến cố định và xe buýt) vào các tuyến phố gần khu vực các bến xe; tổ chức các tuyến xe buýt để kết nối bến xe; tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định được đầu tư xe trung chuyển phục vụ đưa đón khách đến bến xe, đến điểm đón trả, khách đã được công bố theo quy định.
Các bến xe cần tổ chức khu vực dành riêng cho xe taxi, xe hai bánh chở khách. Những trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác cần được xử lý nghiêm.
Còn về phía Bộ GTVT, trách nhiệm xử lý những bất cập trong hoạt động vận tải hành khách ra sao, thưa ông?
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, để giám sát chặt chẽ, chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Bộ GTVT sẽ hướng dẫn, yêu cầu địa phương và bộ, ngành liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý, chấn chỉnh các hoạt động liên quan kinh doanh vận tải, nhất là việc sử dụng các trang mạng, phần mềm để quảng cáo tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật, như xe ghép, xe tiện chuyến...
Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định.
Về lâu dài, trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo sẽ phân loại lại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm tương đối giống nhau thành một hình thức kinh doanh, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch và công bằng.
Các chính sách phát triển bến xe theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp nhằm đẩy mạnh, thu hút đầu tư bến xe cũng sẽ được nghiên cứu trong thời gian tới!
Xin cảm ơn ông!