Vẫn nóng chương trình và sách giáo khoa

(ĐTTCO) - Dù đã thảo luận ngày 4-4, nhưng do sức nóng của vấn đề giáo dục nên trong chiều 5-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). 
Vẫn nóng chương trình và sách giáo khoa
Tranh luận về sách giáo khoa 
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, các quy định trong dự thảo dù cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhưng cần xác định thêm trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chứ không hẳn là gia đình, tổ chức, công dân. Trong chương trình sách giáo khoa mới, đối với các môn khoa học tự nhiên có thể áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng với các môn khoa học xã hội cần 1 bộ sách thống nhất trong cả nước, để đáp ứng được yêu cầu về văn hóa, truyền thống và phong tục.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn, lâu nay ngành giáo dục loay hoay trong việc lựa chọn nội dung chương trình sách giáo khoa khoa học tự nhiên nào là phù hợp với học sinh Việt Nam. Tại sao Việt Nam không tính tới việc sử dụng các chương trình sách giáo khoa tự nhiên của các nước có nền giáo dục tiên tiến? ĐB Đoàn Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề xuất việc làm sách giáo khoa phải rõ vai trò của Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục mới đồng thời phải thể hiện được vai trò của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách để giảng dạy và lựa chọn này là mang tính ổn định. Sách cần truyền tải được mục tiêu phát triển toàn diện con người, rõ nội dung về chiều sâu hình thành nhân cách, quan trọng hơn, sách giáo khoa phải được sử dụng nhiều lần để tránh lãng phí. Nhà nước nên ban hành một bộ sách chung trong cả nước.
ĐB Bùi Ngọc Phương (Ninh Bình) cũng băn khoăn về định hướng mỗi môn học có một số bộ sách sẽ gây khó khăn cho công tác thi cử. Sách giáo khoa biên soạn phải bám vào chương trình chung, không để mỗi người biên soạn theo cách riêng. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, sách giáo khoa và chương trình phải có sự thống nhất, không độc quyền trong làm và phát hành sách. Ai làm tốt, rẻ, đẹp, được xã hội chấp nhận thì cho tồn tại. Phải tạo ra cạnh tranh như vậy, nhưng không thương mại hóa những vấn đề căn cốt của giáo dục, có cơ chế để chương trình thống nhất, sách thống nhất. 
Kiểm soát chặt chương trình “giáo dục địa phương”
Giải trình với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, xây dựng chương trình, sách giáo khoa sẽ bám theo Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”. Lần đổi mới sắp tới sẽ khác những lần trước (dựa vào sách giáo khoa, sách là duy nhất) là chương trình tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, nội dung, phương pháp; từ chương trình tổng thể sẽ đi vào mục tiêu các môn học và xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra cấp học, các môn học và có sự “đấu nối” với nhau giữa cấp học, các môn học. 
Trong khi đó, để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và kiến thức, văn hóa ở vùng miền, trong chương trình mới sẽ có thiết kế 80% khối lượng là khung chương trình thống nhất trong toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Tuy nhiên, các địa phương muốn viết chương trình phải trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đối với 20% khối lượng chương trình mang tính địa phương, sau khi viết xong sẽ đưa về bộ để thẩm định và thống nhất với chương trình tổng thể để đảm bảo tính thống nhất chung có tính chất pháp lệnh. Sách giáo khoa là tài liệu quan trọng, người viết sách giáo khoa sắp tới phải bám sát vào khung chương trình, dù viết như thế nào khung chương trình phải được bám sát. Sau khi viết xong, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia, nếu đạt tiêu chuẩn mới ban hành. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây phải tập trung vào các nguyên tắc: Nhà nước trực tiếp đầu tư cho giáo dục phổ thông hoặc khuyến khích đầu tư để có đủ trường, đủ giáo viên dạy học sinh 2 buổi/ngày; phải đảm bảo tất cả các thành phần học sinh được hòa nhập và đảm bảo nhà trường là một thiết chế công cộng. Theo đó nguyên tắc “nhà trường là thiết chế công cộng”, việc quản trị nhà trường gồm có nhà nước, ban giám hiệu, đại diện của học sinh và phụ huynh, cộng đồng dân cư trên địa bàn, đại diện tổ chức giáo viên trong nhà trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định sẽ cùng Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến 26 đại biểu trong 2 ngày qua, đồng thời sẽ bóc tách các vấn đề để hoàn chỉnh dự thảo. Luật Giáo dục (sửa đổi) là nội dung lớn, tác động đến toàn xã hội, tác động đến nhiều luật khác (Luật Ngân sách nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Công chức, viên chức; Luật Trẻ em...). Do vậy, xây dựng luật này phải cân nhắc tính tới các yếu tố liên quan tới luật khác. 
Sau khi tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo chọn 2 phương án. Phương án 1 (có 1 chương trình, mỗi môn học có 1 hoặc nhiều sách giáo khoa), để đi đến quyết định đó phải có hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và sách giáo khoa, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm phê chuẩn và ban hành. Phương án 2 có 1 chương trình có 1 sách giáo khoa và sách tham khảo, nên báo cáo Bộ Chính trị và xin ý kiến Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, cố gắng giải đáp hết những băn khoăn mà dư luận quan tâm. 

Các tin khác