Vẫn phải duy trì điện than công nghệ mới

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhận định lộ trình giảm thiểu và phi hóa cacbon Việt Nam cam kết là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng (ANNL) quốc gia trong ngắn và trung hạn, Việt Nam vẫn cần duy trì tỷ lệ nhiệt điện than nhất định với công nghệ tiên tiến.
Vẫn phải duy trì điện than nhưng các nhà máy phải dùng công nghệ mới.
Vẫn phải duy trì điện than nhưng các nhà máy phải dùng công nghệ mới.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ tác động thế nào đến thay đổi cơ cấu năng lượng nước ta hiện nay, đặc biệt là nhiệt điện than vốn đang chiếm tỷ trọng lớn?
Ông TRẦN VIẾT NGÃI: - Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến quan trọng tại COP26, như cam kết không xây dựng mới điện than, bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đặc biệt, trong đó có cam kết thực hiện lộ trình đưa mức giảm thải khí cacbon về 0% vào năm 2050. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Song nhiệt điện than của nước ta hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu, lên đến gần 50%, cho thấy ta chưa thể lập tức loại bỏ nhiệt điện than được, mà cần có lộ trình. Cơ cấu lại ngành năng lượng nhưng vẫn phải đảm bảo ANNL cho mục tiêu giữ đà tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, nhiệt điện than là nguồn điện ổn định quanh năm, số giờ lên tới 7.000 giờ/năm, do thiếu điện nên gần đây thường xuyên vận hành tới 8.000 giờ/năm, hiện chưa có nguồn điện nào đạt được kỷ lục như vậy. 
Thực tế, chúng ta đi sau các nước trong thời gian dài khi phát triển công nghiệp. Trong thời kỳ tiền công nghiệp, khi bắt đầu phát triển các nước đều dùng công nghệ lạc hậu. Nhiên liệu đầu vào toàn sử dụng than cám 6, 7 với nhiệt trị thấp và xỉ than nhiều, khói bụi nhiều cùng các khí thải chứa CO2, SO2, NOx…
Thời điểm này các nước phát triển vẫn có nhu cầu sử dụng điện rất lớn, như Mỹ trên 400.000MW, Đức trên 370.000MW…
Với Việt Nam nhu cầu về điện hiện vẫn chưa bằng Philippines, Thái Lan. Nên khi nói về nhiệt điện than và cắt giảm nhiệt điện than, chúng ta cần đặt trong bức tranh chung tổng thể.
Theo đó, trong ngắn hạn từ nay đến 2030, Việt Nam vẫn cần duy trì tỷ trọng nhiệt điện than ở mức 40% trước khi tìm kiếm được nguồn năng lượng khác thay thế. Hiện nay, công nghệ sản xuất điện than ngày càng tiên tiến, không còn dùng lò tầng sôi mà chuyển sang lò hơi siêu tới hạn có nhiệt trị rất cao và dùng loại than cám đặc biệt.
- Gần đây có quan điểm cho rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể thay thế nguồn nhiên liệu đầu vào bằng khí hóa lỏng bởi đây là tiềm năng và một số dự án điện khí cũng đã được phê duyệt. Ý kiến của ông thế nào?
Từ nay đến 2030 vẫn cần duy trì tỷ trọng nhiệt điện than ở mức 40% trước khi tìm kiếm được nguồn năng lượng khác thay thế.

- Tôi cho rằng đây là đề xuất trên lý thuyết song khó khả thi. Bởi lẽ hiện nay chúng ta chưa có nhà máy khí hóa lỏng đủ quy mô hoạt động để đáp ứng được nhu cầu điện khí trong nước. Nguồn nhiên liệu điện khí nhập khẩu có giá thành cao, sẽ đẩy giá bán điện tăng cao, rất khó được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp không đạt được giá bán điện nêu trên, doanh nghiệp khai thác vận hành điện khí có thể lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Thực tế, cách đây 2 năm dự án điện khí LNG Sơn Mỹ 2 (tỉnh Bình Thuận) do  Công ty AES (Mỹ) đã được Bộ Công Thương cấp phép với tổng mức đầu tư 93.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD. Đây được xem là dự án điện khí lớn nhất ở Việt Nam được cấp phép. Nhưng đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Hay việc hàng loạt địa phương sau khi từ chối nhiệt điện than cũng đang gấp rút lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện khí, như Long An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Đó là chưa kể nhiều dự án điện khí khác do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Như vậy, tính toán sơ bộ đến nay có hàng chục tỷ USD dự kiến đầu tư vào điện khí. 
Trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than (chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than tại Quy hoạch điện VII và VIII), điện khí đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tỷ trọng nhiệt điện khí trong dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng tăng rất mạnh.
Trong đó, tiến độ các dự án điện khí “chắc chắn xây dựng”, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2020-2025 có 9 nhà máy, với tổng công suất gần 6.500MW, hầu hết do EVN và PVN làm chủ đầu tư. Đó là dự án Dung Quất 1, 2, 3; nhiệt điện khí miền Trung 1, 2; nhiệt điện khí Quảng Trị; nhiệt điện khí Ô Môn 2, 3, 4. Nhưng đến nay, các dự án vẫn chậm trễ, thậm chí mới trên giấy. 
Nguyên nhân do 2 điểm nghẽn chính: Thứ nhất, chi phí đầu tư ban đầu cho dự án lớn và giá bán điện đầu ra cao nên khó được thị trường chấp nhận, khả năng doanh nghiệp thua lỗ cao. Đơn cử, theo tính toán sơ bộ của EVN, giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B khoảng 2.800 đồng/kWh.
Còn giá điện của nhiệt điện khí sử dụng LNG phụ thuộc vào giá LNG, dự kiến 2.000 đồng/kWh, với giá LNG tại nhà máy khoảng 10,5 USD/triệu BTU, đây là mức cao. Thứ hai, dù các quy hoạch ngành là những văn bản mang tính pháp lý cao, nhưng thời gian qua việc quản lý phát triển các dự án nhiệt điện khí LNG ở Việt Nam đã không theo quy hoạch, chủ yếu chạy theo đề xuất từ các địa phương, do đó có những chồng chéo, vướng mắc.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam?
- Năm 2009, chúng ta đã lên kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, với chi phí dự kiến lên tới vài tỷ USD. Nhưng sau đó năm 2016, Quốc hội bác bỏ đề xuất này bởi vấn đề về chi phí. Việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới đang vấp phải một số khó khăn do chi phí, thời gian xây dựng, an toàn, vấn đề về sản xuất và xử lý nhiên liệu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, tôi cho rằng nếu Việt Nam muốn cùng lúc thực hiện được 2 mục tiêu là giảm khí carbon và vẫn đảm bảo ANNL, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, chắc chắn điện hạt nhân phải có tên trong danh mục quy hoạch điện quốc gia.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác