Nhiệt điện than: Bỏ thì khó, bó vào khó vay

(ĐTTCO) - Hội nghị thượng đỉnh COP26 bế mạc đầu tháng trước bằng thỏa thuận Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) yêu cầu giảm sử dụng than. Đây là điều đáng mừng vì cuối cùng các nước đã tìm được tiếng nói chung trước vận mệnh của hành tinh. Nhưng mọi vấn đề khí hậu khi gắn với bài toán kinh tế đều hàm ý sự đánh đổi, và Việt Nam đang đứng trước sự đánh đổi đó.
Vẫn biết nhiệt điện than là ô nhiễm, khó vay vốn, nhưng rất khó tìm nguồn thay thế.
Vẫn biết nhiệt điện than là ô nhiễm, khó vay vốn, nhưng rất khó tìm nguồn thay thế.
Tiến thoái lưỡng nan
Sau nhiều lần tránh né, tại COP26 lần đầu tiên có một thỏa thuận chỉ đích danh nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra tăng nhiệt độ toàn cầu và yêu cầu xóa bỏ sử dụng than. Việc nêu tên cụ thể “ông trùm” này của ngành năng lượng khiến nhiều nước đang phát triển không hài lòng, đặc biệt Ấn Độ và Trung Quốc.
Bởi 2 nước đông dân nhất thế giới này là quốc gia có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn cho sản xuất và sinh hoạt, đã phản đối gay gắt việc xóa bỏ than đá. Thỏa thuận cuối cùng vì vậy đã được điều chỉnh thành giảm dần.
Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia gắn chặt tăng trưởng kinh tế vào loại nhiên liệu này. Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại tờ trình Quy hoạch Điện VIII trình Thủ tướng, đến cuối năm 2020 trong tổng công suất lắp đặt nguồn điện quốc gia, điện than chiếm đến 30,8% về công suất và 50% về sản lượng, điện khí chiếm 13,1% và 14,6%, điện gió và mặt trời 26,4% và 4,1%.
Dự kiến đến năm 2030 công suất điện than sẽ dao động ở mức 28,4-31,4%, điện khí tăng mạnh lên mức 21,1-22,4%. Như vậy, về mặt chủ trương, chúng ta vẫn “khó bỏ” điện than, và thay vào đó cố gắng lành mạnh hóa cơ cấu nguồn điện bằng cách tăng các nguồn năng lượng khác, như điện khí.
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát một số nguồn điện than theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển sau năm 2030.
Như vậy, trên tinh thần thực hiện cam kết tại COP26, Việt Nam sẽ có định hướng giảm điện than nhưng trước mắt chưa thể làm ngay được. Vấn đề quan trọng nằm ở khâu thu xếp nguồn vốn. Muốn tăng tỷ lệ điện khí để thay thế dần điện than phải chấp nhận nhập khẩu giá cao, đẩy chi phí sản xuất tăng và cuối cùng tạo gánh nặng cho hóa đơn tiền điện.
Năng lượng vừa là nguồn đầu vào quan trọng cho sản xuất, vừa là hàng hóa tiêu dùng phổ biến. Giá điện tăng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền gây áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của nền kinh tế. 
Nhiệt điện than: Bỏ thì khó, bó vào khó vay ảnh 1
Phải thoát “lưỡng nan chính sách”
Hiện nay, việc duy trì điện than gặp không ít thách thức. Trên thế giới chỉ còn khoảng 10% đơn vị tài chính cung cấp tín dụng cho điện than và ngày càng thu hẹp. Cũng rất hiếm đơn vị nào chịu cung cấp nguồn vốn cho dự án điện than mới.
Vì để đầu tư cho dự án điện than, tổ chức tín dụng đó phải cân nhắc rất nhiều thứ, như quản trị rủi ro và khả năng bù trừ các chỉ tiêu tài chính xanh họ phải đáp ứng trong tiêu chí đánh giá toàn cầu. Do đó, lãi suất đương nhiên sẽ cao hơn.
Đề cập đến vấn đề phát thải do các loại nhiên liệu hóa thạch trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, nhà kinh tế người Nhật Yoichi Kaya có công thức tổng kết: CO2 = dân số x GDP đầu người x (năng lượng/GDP) x (CO2/năng lượng).
Như vậy, nếu muốn giảm phát thải để phát triển bền vững phải giảm tối thiểu 1 trong 4 yếu tố dân số, GDP đầu người, năng lượng và lượng khí phát thải cho lượng năng lượng đó. Nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc 2 yếu tố dân số và GDP, nhưng việc giảm dân số khó khả thi nên áp lực sẽ dồn về GDP. Với các nước giàu việc giảm GDP dễ chấp nhận hơn so với các quốc gia đang phát triển và mới nổi (trong đó có Việt Nam).
Bởi con số tăng trưởng GDP có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước đang phát triển nhằm đuổi kịp các nước phát triển khác. Điều này cũng giải thích lý do Ấn Độ và Trung Quốc phản đối việc xóa bỏ sử dụng than.
Tình thế này khiến Việt Nam rơi vào cảnh lưỡng nan chính sách. Nếu bỏ điện than khả năng không cân đối đủ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng nếu “bó” lại việc quy hoạch điện than, nguy cơ phải đánh đổi bằng phần trăm tăng trưởng.
Do đó, Việt Nam buộc phải có lựa chọn cho riêng mình. Trên tinh thần cam kết tại COP26 và xây dựng lộ trình xanh hóa cơ cấu năng lượng, lựa chọn “bó” dần điện than là phù hợp. Tất nhiên cần đánh đổi vài phần trăm GDP, nhưng vẫn có cách giảm nhẹ các tác động này.
Về thể chế, đây là lĩnh vực lớn, lợi ích bao phủ toàn xã hội, Nhà nước không thể làm một mình mà cần có sự hợp tác với nhà đầu tư tư nhân. Thí dụ, dự án điện gió thường mất 3-5 năm từ lúc phát triển dự án đến lúc vận hành, riêng việc đo gió cần tối thiểu 12 tháng. Chính sách nếu thiếu tính ổn định dài hạn sẽ gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu khai thác của các đơn vị này.
Đã có trường hợp dự án phải chịu nhiều thủ tục thẩm định giá phức tạp và vướng nhiều quy định chồng chéo. Sau 6 tháng phát điện lên lưới, nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được giá điện với EVN. Vì vậy, cần rà soát và khơi thông các điểm nghẽn trong thủ tục, quy định để củng cố tâm lý sẵn lòng đầu tư của các đơn vị tư nhân.
Hiện nay, với sự chuyển dịch hướng đến mục tiêu tài chính xanh, các ngân hàng có hiện tượng tranh nhau cung cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhưng lãi suất của các khoản vay này phụ thuộc vào đánh giá rủi ro ở quốc gia vay vốn. Nếu Việt Nam kiểm soát được rủi ro về cơ chế chính sách một cách hiệu quả, tích cực hỗ trợ pháp lý, nguồn vốn bên ngoài sẽ giúp ích rất nhiều.
Thực tế, các quốc gia đều có lợi ích kinh tế đan xen với nhau. Tăng trưởng ở các nước đang phát triển cũng một phần để đáp ứng nhu cầu tại các quốc gia phát triển. Việt Nam có thể tận dụng ưu thế về uy tín quốc tế để tiến hành “ngoại giao năng lượng”, vận động, kêu gọi đầu tư từ các nước lớn cho các dự án năng lượng tiến bộ của mình, như cách chúng ta đã làm rất tốt với chiến lược “ngoại giao vaccine”.
 Nếu bỏ điện than khả năng không cân đối đủ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng nếu “bó” lại việc quy hoạch điện than, nguy cơ phải đánh đổi bằng phần trăm tăng trưởng.

Các tin khác