Tăng trưởng cả vận tải khách và hàng hoá
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; Khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU, tăng 6%. Hành khách thông qua cảng đạt 7,5 triệu hành khách, tăng 22%.
Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 154,6 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2018.
Về đội tàu biển, ông Việt thông tin, tính đến tháng 12/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.507 chiếc (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 chiếc) với tổng trọng tải khoảng 7,55 triệu DWT. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển.
“Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 29 trên thế giới”, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải cho hay.
Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu trong năm 2019.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Việt nhìn nhận, đội tàu cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng feeder tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu đảm nhận vẫn dưới 10%.
Về cải cách thủ tục hành chính, Cục Hàng hải đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải. Tổng số hồ sơ điện tử được 25 cảng vụ tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/1 đến ngày 15/12/2019 là hơn 94.700 hồ sơ, đạt 92% so với tổng số hồ sơ thực tế.
Về cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống các cảng biển được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng của thế giới, nhờ đó hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển. Hiện cả nước có 8 trung tâm logistics và 21 ICD (cảng cạn) đã đi vào hoạt động.
Thận trọng trong quản lý phương tiện vận tải ven biển (tàu VR-SB)
Đánh giá kết quả năm 2019 vừa qua của Cục Hàng hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhìn nhận, năm 2019 là một năm “sáng” của ngành hàng hải sau khi ghi nhận những kết quả tăng trưởng của vận tải biển thoát cảnh “tăng trưởng âm” của giai đoạn 2014-2015, đạt mức tăng 8% trong năm 2019.
“Lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương”, Thứ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam “nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá” về vấn đề an toàn hàng hải, đặc biệt với phương tiện vận tải ven biển. Bởi, tính đến ngày 15/12/2019, đã có tới 18 vụ tai nạn hàng hải làm chết và mất tích 14 người. So với năm 2018, số vụ tai nạn hàng hải năm 2018 không đổi (18/18); số người chết và mất tích tăng 10 người (14/4).
“Năm 2019, số vụ tai nạn hàng hải tương đương năm trước (18 vụ), nhưng số người chết tăng tới hơn 200%. Trong đó, hiện tượng tàu tự chìm tăng đáng kể, nhất là đối với loại hình sông pha biển VR-SB (6 vụ). Thực trạng này rất đáng lo ngại”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định, Bộ GTVT ủng hộ phát triển vận tải ven biển, nhưng phải phát triển đúng nghĩa, không vì phát triển phương tiện tàu sông pha biển mà để vận tải biển “chết” và tính mạng thuyền viên bị đe doạ. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Cục Đường thuỷ nội địa nghiên cứu giải pháp, đưa ra những quy định chung về hoạt động vận tải ven biển, trên cơ sở quản lý chặt hoạt động tàu VR-SB.
Về nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch cảng biển, đạo đức công vụ, công tác duy tu nạo vét luồng lạch để tàu chạy an toàn…
Đề xuất nâng quy chuẩn an toàn tàu VR-SB ngang tàu biển Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, để phòng, tránh tai nạn liên quan đến phương tiện VR-SB, thực thi trách nhiệm của quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), Cục Hàng hải đã có kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi một số quy định như: Sửa đổi quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện VR-SB để phù hợp với quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (COLREG 72). Bổ sung quy định về thuyền viên làm việc trên các phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên hoạt động trên biển (ven biển) phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hàng hải tương đương với thuyền viên làm việc trên tàu biển có cấp hạn chế III trở lên; Sửa đổi chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thuỷ nội địa đi ven biển nhằm nâng cao chất lượng việc huấn luyện và thực hành các Quy tắc COLREG 72 và việc sử dụng và vận hành các trang thiết bị hàng hải. Bổ sung quy định đối với các phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên hoạt động trên biển (ven biển) phải có các trang thiết bị an toàn tương đương như tàu biển mang cấp hạn chế III trở lên; Xem xét không tiếp tục cho đăng kiểm, đăng ký đối với phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên nếu không đáp ứng các quy định về an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tương đương với các tàu biển mang cấp hạn chế III trở lên. |