Vào thời điểm trước dịch Covid-19, dọc những con đường lớn như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám ở quận 1, và cả những con hẻm nhỏ trong khu vực này luôn tấp nập khách nước ngoài đến vui chơi, tham quan, lưu trú.
Không khí sôi động kéo dài từ sáng tới đêm khuya. Thế nhưng, thời điểm này dù Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường du lịch được 1 năm, nhưng khi đến những con phố sầm uất này thấy rất ít khách du lịch nước ngoài. Các quán ăn, dịch vụ cho thuê xe, khách sạn… đều trong tình trạng ngồi chơi chờ khách quay trở lại.
Anh H.T chủ quán ăn nhỏ trong con hẻm nối giữa Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão, cho biết lượng khách từ đầu năm đến nay rất ít, nhưng các cửa hàng còn trụ lại đến bây giờ vẫn phải mở cửa kinh doanh, duy trì hoạt động với hy vọng vài tháng nữa tình hình sẽ khá hơn. Nhiều người kinh doanh homestay, khách sạn ở khu vực này cũng đang sống dở chết dở vì không có khách lưu trú.
Trên con đường đắt đỏ Đồng Khởi cũng có rất nhiều mặt bằng đang tìm khách thuê, với những tấm biển cho thuê chồng chéo lên nhau, những mặt bằng xuống cấp vì thiếu sự chăm chút, đang khiến con đường mất đi vẻ hào nhoáng vốn có của nó.
Tương tự, con đường Lý Tự Trọng vốn cũng được xem là tấc đất tấc vàng, kinh doanh sôi động, nay cũng khoác lên mình sự vắng vẻ, nhiều mặt bằng nằm ở các vị trí đắc địa (ngã tư Trương Định - Lý Tự Trọng hay ngã tư Thủ Khoa Huân - Lý Tự Trọng), biển cho thuê bao kín nhưng chưa thể tìm được chủ nhân mới. Hay như con đường Lê Lợi (ngay khu vực đối diện Saigon Center), sau 8 năm bị rào chắn giờ rất thông thoáng, thuận lợi để kinh doanh, nhưng rất nhiều mặt bằng trong khu vực này đang phải trưng biển cho thuê.
Mặt bằng cần cho thuê ngập tràn các con phố khu vực trung tâm, nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn khi thiếu vắng khách du lịch. Điều đang thu hút sự quan tâm, là tình trạng rao bán khách sạn rất phổ biến hiện nay. Chỉ cần gõ cụm từ “bán khách sạn tại quận 1” vào các sàn giao dịch như batdongsan.com.vn, sẽ cho ra rất nhiều kết quả rao bán khách sạn tại các con đường như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thái Học, Thái Văn Lung, Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân…
Theo khảo sát của Savills, năm 2022 công suất phòng khách sạn tại TPHCM đạt 45%, tăng 20% so với 2021, nhưng thấp hơn 23% so với năm 2019. Riêng quý IV-2022, công suất phòng đạt 62%, trong khi giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý III. Thiếu vắng lượng lớn khách lưu trú khiến nhiều khách sạn thu không đủ chi phí duy trì hoạt động nên buộc phải “bán mình”.
Năm 2022, Việt Nam đã bùng nổ khách du lịch nội địa, và TPHCM - thị trường khách nguồn cho nhiều địa phương, cũng rất thu hút du khách. Thế nhưng, vai trò quan trọng của khách quốc tế là không thể phủ nhận. Việc này được minh chứng rõ trong các con số thống kê. Theo đó, trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa, nhưng đóng góp hơn 55% tổng thu nhập từ khách du lịch. Hay năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD toàn ngành du lịch.