Đầu phiên giao dịch ngày 16-8 (giờ Việt Nam), giá vàng niêm yết trên sàn Kitco tăng 4,2 USD/ounce, niêm yết ở mức 1.783,2 USD/ounce. Đến 10 giờ sáng, giá vàng giảm xuống mức 1.778 USD/ounce. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với cuối tuần trước. Ghi nhận vào ngày 13-8, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.750 USD.
Giới kinh doanh vàng nhận định, sau một đợt lao dốc mạnh, giá vàng thế giới dần dần hồi phục khi chỉ số lạm phát của Mỹ trong tháng 7 được công bố đúng như dự báo của thị trường, Dollar Index giảm, đồng USD bị bán tháo và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm giảm nhanh.
Dù vậy, giá vàng hiện tại vẫn giằng co tăng giảm do hàng loạt quyết định bán tháo chốt lời của nhà đầu tư cũng như biến động của đồng USD và lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ.
Có thể nói, vàng đã rơi vào tình trạng khó khăn khi giảm 12% từ mức kỷ lục trên 2.050 USD/ounce của tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, với việc lạm phát của Mỹ đang có dấu hiệu đạt đỉnh dẫn đến dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ xem khả năng không tăng lãi suất để duy trì đà hồi phục bền vững của nền kinh tế, giới đầu tư hiện tại tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của kim loại vàng. Bởi vàng là hàng rào chống lạm phát tốt và nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC đứng yên trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng SJC niêm yết mua bán ở mức 56,55 – 57,25 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra), chênh lệch giá mua – bán hiện là 700.000 đồng/lượng.
Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở mức 56,15 - 57,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 1,55 triệu đồng/lượng.
Với biến động như trên, khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước được rút ngắn so với tuần trước. Theo đó, vàng miếng SJC đang đắt hơn vàng thế giới 8 triệu đồng/lượng.