Mở cửa phiên giao dịch ngày 13-8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua – bán vàng SJC ở mức 56,4-57,1 triệu đồng/lượng. Mức giá này giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra trong vòng 3 ngày kể từ ngày 11-8. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng vào ngày 9-8. Hợp đồng vàng tương lai giảm 2,1%, xuống mức 1.726,5 USD/ounce. Nguyên do đến từ những dữ liệu tích cực về việc làm của Mỹ củng cố niềm tin vào dự báo sớm cắt giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh vàng trong nước gần như không thay đổi giá vàng so với cuối tuần qua trong khi giá thế giới biến động khá mạnh. Vàng SJC đứng ở mức 56,3-57 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa hai thị trường đạt ngưỡng kỷ lục 8,9 triệu đồng/lượng.
Từ ngày 12-8, thị trường vàng bật tăng trở lại trước công bố chỉ số CPI tháng 7 của Mỹ cho thấy lạm phát còn yếu, cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì các chính sách tiền tệ phù hợp. Ghi nhận vào sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.755 USD/ounce, tăng 3 USD so với phiên trước. Tuy nhiên, chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn treo ở mức cao, hơn 8,6 triệu đồng/lượng.
Tình trạng giá vàng trong nước lập kỷ lục về mức độ đắt đỏ so với giá vàng thế giới không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam. Vì từ sau khi áp dụng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, đồng thời đã ngưng hẳn quota nhập khẩu vàng cho một số DN kinh doanh vàng lớn cũng như các NHTMCP lớn.
Theo đó, DN tự kinh doanh có mua được mới bán được, họ mua không được sẽ không mạnh tay bán và phải neo giá cao so với thế giới.