Vành đai 3 - Thiết kế song song cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”

(ĐTTCO) - Một dự án giao thông chậm tiến độ hầu hết không do khâu kỹ thuật thi công, mà do các khâu phi kỹ thuật như đền bù giải tỏa, tái định cư, ổn định đời sống, bình ổn tâm trạng xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và câu chuyện dư âm hậu dự án. Do vậy, ngay từ tiền dự án các phương án phi kinh tế cần phải tính rất sớm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thiết kế không gian song hành với trục vành đai
Bên cạnh dự án đường giao thông được coi là "phần cứng", cần có dự án song song là “thiết kế không gian 2 bên trục đường giao thông” được ví như "phần mềm". Đường vành đai 3 dài gần 92km không phải là đường mới mở mà đi qua những khu dân cư có sẵn.
Do vậy phải tiến hành cùng lúc một loạt thiết kế dọc theo 2 dải song hành với trục đường, gồm thiết kế kiến trúc, cảnh quan, công trình công cộng, nhà dân và thiết kế kỹ thuật liên quan đến dân cư. 
Thực tế ở TPHCM cho thấy, do chỉ tập trung vào con đường, quên mất thiết kế cảnh quan 2 bên, nên có những dự án làm xong mới thấy tiếc. Thí dụ, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trục đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm), hay Phạm Văn Đồng, hình thái đô thị, cảnh quan 2 bên rất lộn xộn.
Đường vành đai 3 liên quan đến hàng ngàn hộ dân sống 2 bên đường, do vậy thiết kế không gian sẽ giúp họ biết nhà mình phải lùi vào bao nhiêu, hành lang an toàn đến đâu, bao nhiêu đất bị mất, từ đó họ sẽ định liệu việc cư trú của mình (di dời, cắt đất, tái tạo lại mặt tiền sau khi nhà bị cắt). Người dân không chỉ được biết, được xem các bản đồ, sơ đồ, còn được quyền tham gia thảo luận thiết kế sao cho nơi chốn của họ sau khi mở đường sẽ có cuộc sống “bằng và tốt hơn trước dự án”.
Việc thiết kế này cần tính toán đến vị trí, diện tích các công trình công cộng như công viên, vườn hoa, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống… Điều này giúp nhà đầu tư tham gia đấu giá đất biết rõ hiện trạng trong quá trình chọn lựa vị trí, địa điểm và quy mô đầu tư. Bởi dự án này có kế hoạch bán đất thông qua đấu giá để tái đầu tư cho chính dự án. Riêng quỹ đất do Nhà nước quản lý trên phần đất của TPHCM 2.413ha.  
Vành đai 3 - Thiết kế song song cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” ảnh 1
Công tác thiết kế dải song hành này phải cho thấy sau khi con đường xây dựng xong, cảnh quan 2 bên sẽ như thế nào, cây xanh, thảm cỏ, màu sắc các công trình; đặc biệt là các công trình kỹ thuật như các cầu vượt bộ hành, hầm chui nối cộng đồng dân cư 2 bên, hành lang lan can an toàn ngăn cách khu dân cư với đường giao thông nhanh…
Thực tế cho thấy hầu hết dự án giao thông đi qua khu dân nảy sinh nhiều rắc rối do thiết kế không hợp lý, dẫn đến việc người dân tự ý phá bỏ từng đoạn hàng rào bảo vệ an toàn để băng qua đường, cầu vượt bộ hành không có người sử dụng, hầm chui thành nơi chứa chấp tệ nạn xã hội.        

Hình thành hội đồng điều phối, đền bù giải tỏa
Đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành nên dù muốn hay không sẽ có những rắc rối phát sinh liên quan đến tài chính, tiến độ dự án, kỹ thuật thi công, đền bù giải tỏa, tái định cư (TĐC) và huy động vật liệu xây dựng. Nếu không phối hợp tốt sẽ phát sinh mâu thuẫn, mà nơi dễ xảy ra nhất là vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh thành. 
Thí dụ, dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị chậm tiến độ nhiều năm do nhiều lý do, trong đó có việc giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn cuối giáp Bình Dương. Cụ thể, tiền đền bù là của TPHCM, phía Bình Dương chịu trách nhiệm công tác bồi thường, thu hồi đất giải tỏa các công ty, nhà dân nằm trên đất Dĩ An, bàn giao trong năm 2014. Song do đùn đẩy qua lại, mãi 3 năm sau mới giải quyết xong, việc bàn giao mặt bằng chậm trễ khiến nhà thầu Nhật Bản tính chuyện khởi kiện đòi tiền phạt 100.000USD/ngày. 
Vì thế những dự án liên tỉnh thành này ngoài hội đồng chỉ đạo bao gồm các lãnh đạo cao nhất của Trung ương và địa phương, cần có hội đồng điều phối bao gồm các chuyên gia, đại diện của 4 địa phương. Hội đồng này có trách nhiệm điều phối công việc hàng ngày nhằm triển khai dự án  đồng bộ, không có sự khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật ở mỗi tỉnh, thành, đảm bảo tiến độ diễn ra đúng theo lộ trình và chi viện cho nhau khi thiếu hụt tài chính, nhân lực, thiết bị và vật tư.
Dự án vành đai 3 tác động đến 5.300 hộ dân, trong đó 3.863 hộ mất một phần diện tích đất ở, thổ cư, đất canh tác, cây trồng trên đất; 1.476 hộ phải giải tỏa trắng để TĐC. Chi phí bồi thường, TĐC khoảng 41.589 tỷ đồng. Có thể nói số hộ dân bị tác động rất lớn. Việc đền bù, giải tỏa, TĐC (tại chỗ hay di dời) được coi nan giải nhất của tất cả dự án giao thông, từ trọng điểm quốc gia đến tỉnh, thành. Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng khiếu kiện của dân vẫn kéo dài chưa biết đến bao giờ kết thúc. 
Được biết, dự án vành đai 3 tách phần đền bù giải tỏa, GPMB ra thành dự án độc lập trong 8 dự án thành phần. Dự án đi qua 4 tỉnh thành nên việc phát sinh rắc rối liên quan đến GPMB là điều khó tránh khỏi. Chỉ cách nhau vài bước chân nhưng giá đền bù, diện tích giải tỏa, chế độ TĐC khác nhau. Như giá đền bù của TPHCM có thể cao hơn huyện thuần nông ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, sẽ gây ra những tâm tư, bức xúc với người dân. Tuy 4 tỉnh thành có 4 ban GPMB, nhưng các ban này rất khó tìm được tiếng nói chung với người dân. Bởi ban GPMB thực hiện đền bù theo quy định mỗi tỉnh thành, mà giá đền bù này thường là “phi thị trường”. Bằng chứng, giá đất ở 2 bên trục đường vành đai 2 và 3 đã tăng phi mã ngay khi có tin dự án khởi công. 
Do vậy cần phương thức mới là tổ chức GPMB là trung gian, không thuộc chủ đầu tư, chính quyền và cộng đồng bị giải tỏa. Tổ chức này đóng vai trò trung lập đứng giữa các nhóm tham gia dự án, đứng ngoài lợi ích các bên để thương thuyết, đàm phán sao cho hài hòa lợi ích trên nguyên tắc 2 bên cùng có lợi. Ban GPMB trung lập này sẽ cùng thảo luận công khai với các bên, đưa ra các phương án, phân tích thấu đáo thiệt hơn, thuyết phục mọi người chấp nhận. Nếu không dứt điểm được GPMB, đây sẽ là điểm nghẽn làm dự án vành đai 3 khó tới đích vào năm 2026.

Các tin khác