Sáng 22/12 tại Hà Nội sẽ chính thức khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới."
Sự kiện được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia cấp cao - Tổ chức Tài chính Quốc tế, ông Kyle F. Kelhofer và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, bà Carolyn Turk.
Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt nam.
Tại buổi họp báo thông tin về sự kiện diễn ra chiều 21/12, ông Hong Sun, đồng Chủ tịch VBF nhận định, năm 2020 với đại dịch COVID-19 và những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu đã và đang làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp tổng cung, tổng cầu và gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã dự báo năm 2020 nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm tới mức 5,2%, chứng tỏ đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 trở lại đây.
Tuy nhiên, với những nỗ lực đã triển khai, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép khi vừa khống chế hiệu quả dịch COVID-19; vừa duy trì được các kết quả tăng trưởng dương với những chỉ số sản xuất kinh doanh, thậm chí là kim ngạch xuất khẩu đạt mức đáng kinh ngạc.
Đây cũng là thời điểm vô cùng thuận lợi để Việt Nam tận dụng nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết với việc cải thiện nhiều chính sách kinh tế, chính sách tài chính, chính sách thuế cởi mở hơn, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các nhà đầu tư. Có như vậy, trong tương lai gần, tin tưởng Việt Nam sẽ có bước bứt phá ngoạn mục.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hong Sun cho biết hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng đều đang kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ.
Các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao một số biện pháp mà Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, giãn thời gian các khoản vay hiện tại, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng....
Tuy nhiên, theo ông Hong Sun, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần sự điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng cho phù hợp với thực tế và sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Những bài học từ việc khống chế thành công dịch COVID-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời, chủ động cung cấp các thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro; chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp...
Ngoài những yêu cầu cấp bách về những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp để đối phó với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp, tận dụng các cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nói riêng để phục hồi và tiếp tục phát triển, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Chương trình nghị sự của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 dự kiến có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Sự kiện gồm 3 phiên thảo luận về Tổng quan tình hình doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19; Tái khởi động kinh doanh: Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và Thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị...