Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi toàn cầu đang bước vào thời đại kỷ nguyên số.
Được tổ chức lần đầu tiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, VBS 2017 đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp của Việt Nam.
Tiếp nối thành công, VCCI tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức VBS 2018 bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, với chủ đề “Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo”.
VBS 2018 đã thu hút hơn 1.300 đại biểu, trong đó có hơn 500 đại biểu nước ngoài là các thành viên uy tín của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và đoàn doanh nghiệp từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Chile, Oman… cùng lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công hai kỳ Hội nghị VBS liên tiếp, VBS 2019 năm nay VCCI còn kết hợp với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á 2019 (ABS 2019) lần thứ 10 tại Hà Nội (vào ngày 17-10 liền kề sau đó). VBS 2019 cùng với ABS 2019 dự kiến thu hút 600 đại biểu, trong đó có đến 200 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự ABS lần thứ 10, và các doanh nghiệp uy tín hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc...
ABS là Hội nghị đối thoại chính sách đầu tư lớn nhất của châu Á, do Nippon Keidanren phối hợp với các phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia các nước tổ chức thường niên, và năm nay lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Điều đó thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng về tiềm năng của nền kinh tế, vai trò của Chính phủ kiến tạo mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khẳng định Nhật Bản nói riêng và các nước châu Á nói chung đang là đối tác kinh doanh lớn nhất của Việt Nam.
VBS 2019 sẽ tập trung thảo luận về số hóa toàn cầu đang là xu hướng, cũng như công nghệ đang tác động đến các thị trường mới nổi như Việt Nam ra sao? Những cơ hội và mô hình kinh doanh mới nào đang hình thành? Đặc biệt là các chính sách giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp tại Việt Nam. Các xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và khả năng thích ứng thành công của Việt Nam.
Khi nền kinh tế tiến sâu hơn vào thời đại kỹ thuật số, nhu cầu đối với công việc thủ công không đòi hỏi nhiều kỹ năng sẽ suy giảm và thay thế. Do vậy nỗ lực xây dựng lực lượng lao động của tương lai cần bắt đầu từ chính doanh nghiệp, nhưng cũng cần sự phối hợp và hỗ trợ từ Chính phủ để bắt kịp xu thế 4.0.
Theo đó, 3 trụ cột chính là tài chính, nông nghiệp và du lịch sẽ được các doanh nghiệp đưa ra mổ xẻ và thảo luận tại VBS 2019 để tìm ra tối ưu cơ hội trong kinh doanh.
VBS 2019 cũng sẽ là diễn đàn để Chính phủ giới thiệu những chính sách mới nhất, ưu đãi nhất của Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện cam kết của Chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Với doanh nghiệp có cơ hội cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của nền kinh tế trong thời đại số, những cơ hội kinh doanh mới, những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của các doanh nghiệp sáng tạo đã thành công tại thị trường Việt Nam.
Đây không chỉ là cơ hội xúc tiến giới thiệu chính sách đổi mới, hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, mà còn là diễn đàn hiệu quả để các nhà hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày một thông thoáng, minh bạch hơn.
Doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trực tiếp, kết nối và chia sẻ thông tin về các dự án hợp tác kinh doanh tiềm năng với các doanh nghiệp uy tín đến từ nước ngoài.