Chia sẻ tại hội thảo, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc VCCI), cho biết hiện nay các DN chưa định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thiếu sự chuẩn bị và mục tiêu rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là thực trạng phổ biến của nhiều DN Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, kết quả khảo sát do VCCI tiến hành cho thấy, 64,7% DN Việt chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 15,3% DN có chiến lược, định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tổng thể trong dài hạn; 10,2% DN đã xây dựng kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong trung hạn; 5,4% DN đã đề ra giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% DN đã triển khai các hành động cụ thể.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 53,54% DN Việt không xác định mục tiêu khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về khó khăn, thách thức của các DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lương Minh Huân cho rằng, DN đang gặp khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn, kỹ thuật. Cụ thể, hơn 60% DN gặp “khó khăn” và “rất khó khăn” về thời gian giao hàng đúng hạn; hơn 70% DN gặp “khó khăn” và “rất khó khăn” về khối lượng đơn hàng; hơn 80% DN gặp “khó khăn” và “rất khó khăn” liên quan đến tiêu chuẩn, kỹ thuật khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên nhân khiến DN đối mặt với khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là do thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả và thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, thiếu sự kết nối trong chuỗi và các biện pháp xúc tiến thương mại; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống.
Điều này cũng khiến các DN vẫn chưa tận dụng được cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ qua những con số cụ thể như: tỷ lệ nội địa hoá ngành điện tử tại Việt Nam hiện mới đạt khoảng 5-10%, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu nên có giá trị hàm lượng, công nghệ thấp.
Tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may, da giày đạt khoảng 40-45%; cơ khí chế tạo khoảng 30%. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành ô tô tại Việt Nam thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.