PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam sau sự kiện này?
Ông TRẦN BẰNG VIỆT: - Việc các DN Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh không phải mới. Tuy nhiên, sự kiện lần này được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam, bởi đoàn DN này quy tụ nhiều tên tuổi lớn của Mỹ, mà chúng ta hay gọi là các “đại bàng”. Trong đó có không ít DN đã đầu tư vào Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này cho thấy họ đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đây cũng là dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, nên lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có những buổi gặp, lắng nghe ý kiến, phản hồi của các DN Mỹ trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, cũng như những kế hoạch đầu tư vào một số lĩnh vực họ quan tâm trong tương lai.
Tôi tin rằng qua những buổi gặp với các lãnh đạo cấp cao, nhiều vướng mắc của NĐT sẽ nhanh chóng được giải quyết, đồng thời các NĐT cũng có thể thấy rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài nói chung, NĐT Mỹ nói riêng đến kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
- Vậy để thu hút các DN lớn của Mỹ, Việt Nam cần những giải pháp gì, thưa ông?
- Nhìn vào danh sách các DN Mỹ đến Việt Nam lần này thấy có khá nhiều DN có hàm lượng công nghệ cao, nên để thu hút được họ chúng ta phải nhanh chóng “dọn mình”. Theo đó, chúng ta cần có bước chuyển mình đột phá để hấp dẫn hơn trong mắt các NĐT nước ngoài nói chung và NĐT Mỹ nói riêng, nhất là trong bối cảnh môi trường đầu tư đang có nhiều thay đổi khi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Vì thế, chúng ta phải cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến lao động nước ngoài, đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng…, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài trong kinh doanh cũng như giảm thiểu các chi phí, rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam.
Tại diễn đàn DN Việt Nam thường niên mới đây, đại diện các hiệp hội DN nước ngoài cũng đã nêu ra nhiều vấn đề mong được giải quyết, như đơn giản hóa giấy phép lao động, thủ tục hành chính… Nếu những nút thắt này nhanh chóng được giải quyết, hình ảnh của Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt NĐT nước ngoài.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải cùng ngồi lại để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại các DN nêu ra. Thực tế trước đây chúng ta thường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thụ động, nay cần thay đổi và có những chiến lược rõ ràng hơn trong thu hút vốn FDI chủ động. Thí dụ, chủ động chọn lựa những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của Việt Nam.
Với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tôi nhận thấy đang có những tín hiệu tích cực khi người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc gặp gần đây với NĐT nước ngoài và gần nhất là cuộc gặp với đoàn DN Mỹ, đều khẳng định Việt Nam luôn cởi mở, sẵn sàng lắng nghe chia sẻ, ý kiến của các DN nước ngoài, trong đó có DN Mỹ.
Đối với đoàn DN Mỹ lần này Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành lắng nghe, đối thoại và sớm có ý kiến trả lời cụ thể trong thời gian ngắn nhất có thể, và tiếp tục giải quyết các vấn đề có thể phát sinh thời gian tới.
- Thưa ông, vấn đề đưa DN Việt tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng cũng rất được quan tâm, nhưng vì sao cho đến nay số lượng DN có thể đi cùng các NĐT nước ngoài chưa nhiều?
- Việc làm sao để DN Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu không phải là câu chuyện hôm nay mới nhắc tới. Chính các NĐT nước ngoài khi đến bất cứ quốc gia nào cũng mong có những DN trong nước đủ tầm tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất của mình để giảm thiểu chi phí, rủi ro chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, đến nay số lượng DN trong nước có thể tham gia chuỗi sản xuất của các DN nước ngoài nói riêng và DN Mỹ nói chung chưa nhiều. Về vấn đề này, theo tôi có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất ở tầm nhìn của DN. Phần đông DNNVV Việt Nam thường cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho các DN lớn địa phương, nên chưa hình thành tầm nhìn toàn cầu để có thể tham gia chuỗi sản xuất của NĐT nước ngoài.
Thứ hai là tính chủ động. Hiện nay đa số DN Việt vẫn dừng lại ở việc NĐT nước ngoài đặt hàng gì mới nghiên cứu, sản xuất. Chúng ta chưa chủ động nghiên cứu thị trường để xem thị trường cần gì, từ đó triển khai nghiên cứu sản xuất thử, sau đó tung ra các chiến lược phát triển rõ ràng hơn. Hiện cũng có một số DN tiên phong trong việc này nhưng con số đó chưa nhiều.
Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều DN có tầm nhìn, chiến lược dài hạn để hiểu rõ điều gì đang cản trở mình trở thành nhà cung cấp của các DN nước ngoài. Từ đó có kế hoạch tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất của các DN ngoại.
- Xin cảm ơn ông.