Thu hút FDI - biết mình biết người

(ĐTTCO)-Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới. Chúng ta rất cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài, nhưng không phụ thuộc và có sự lựa chọn “biết mình biết người”.
Thu hút FDI - biết mình biết người

Tính hết tháng 11, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cấp mới, điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần) đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, mức giảm 5% là đáng kể, nhưng không đến nỗi quá lo lắng. Mặc dù vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, tốc độ thu hút đầu tư mới đang chậm lại vẫn là hiện tượng cần lý giải thấu đáo.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, một nguyên nhân khách quan phải kể đến là những biến động chính trị trên thế giới dẫn đến lãi suất USD tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư không muốn gia tăng đầu tư mới ở nước ngoài, thậm chí có xu hướng “co cụm” về nước. “Thu hút đầu tư nước ngoài từ nay đến 2025 chắc rất khó, vì giá vốn ở Mỹ quá cao. VND lại là đồng tiền không chuyển đổi và các địa phương vẫn có xu hướng “chèo kéo” nhà đầu tư về tỉnh nhà bằng mọi giá mà không nghĩ đến cục diện chung”, TS Kiên thẳng thắn bình luận.

Tuy nhiên, điểm sáng đáng kể là 11 tháng qua, giải ngân vốn FDI đã đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021, khá gần với con số 20,38 tỷ USD của cả năm 2019 - mức kỷ lục về giải ngân từ trước đến nay.

Các số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu đóng góp của khu vực FDI trong GDP có xu hướng tăng dần từ năm 2005 đến nay. Khối FDI cũng luôn chiếm tới trên 70% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp.

Tuy nhiên, tính liên kết của khối này với doanh nghiệp trong nước được coi là chưa thật chặt chẽ; tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học - công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Để phát huy tốt nhất hiệu quả của dòng vốn FDI đóng góp vào việc nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, theo TS Nguyễn Đức Kiên là “phải tìm được đối tác bắt tay với mình, chứ không phải thuê mình làm từng công đoạn cho họ”.

Sức mạnh của doanh nghiệp tất nhiên phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của doanh nghiệp, nhưng sẽ được nhân lên nhiều lần với sự ủng hộ mạnh mẽ của một “Nhà nước phục vụ” làm hậu phương vững chắc.

Các tin khác