Hà Giang vẫn làm say lòng người bởi những dãy núi đá vôi, cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, những con đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, những dòng sông uốn lượn quanh đồi núi và những ruộng bậc thang đẹp như tranh, nhất là vào tiết thu.
Hà Giang còn làm say lòng người bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch trắng và hồng rực trải dài đến tận chân trời. Người bạn đồng hành đã đến Hà Giang nhiều lần nói về hoa tam giác mạch thật say sưa, làm tôi cũng xốn xang, nôn nóng.
Hai lần trước đi Hà Giang vào tháng 4, tháng 5, tôi cũng ngắm được hoa tam giác mạch, nhưng có lẽ không đúng mùa nên hoa còn ít, những người phụ nữ Dao đang dùng chỉa phá những ruộng hoa để lấy đất trồng cải. Tôi đã tiếc mãi ruộng hoa ấy.
Người đồng nghiệp thạo chuyện nói với tôi, mùa tam giác mạch nở rộ nhất ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm, đi dịp này hoa nhiều và đẹp. Hoa tam giác mạch ở Hà Giang có màu trắng và phơn phớt hồng, mọc thành từng cánh đồng lớn ven đường nên có thể ngắm hoa rất dễ dàng.
Xe vừa dừng ngay đầu làng văn hóa Lũng Cẩm ở thung lũng Sủng Là của Đồng Văn, cả đoàn đã xuýt xoa hào hứng. Những ruộng hoa rực rỡ trải dài suốt thung lũng đẹp đến nhói tim. Mấy chục thành viên là mấy chục máy ảnh, ai cũng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để ghi được thật nhiều hình ảnh đẹp nhất về một loài hoa đặc biệt.
Nhưng sao tôi thích ngắm hoa tam giác mạch mọc ở những cánh đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú hơn, đặc biệt là ngắm những đám hoa mọc len lỏi trên những vách đá tai mèo lởm chởm ở chân đèo Mã Pí Lèng. Nó tạo cho tôi một cảm giác lạ lùng, pha lẫn sự nên thơ và hùng vĩ của thiên nhiên.
Cột cờ Lũng Cú.
Nghe theo lời chị phụ nữ người Dao ở làng cổ Đồng Văn, tôi đem một mớ hạt giống tam giác mạch về trồng trong chậu kiểng ở nhà. Gieo mấy ngày nó nẩy mầm rồi ngày hôm sau lại rụi hết. Có lẽ hoa tam giác mạch chỉ đẹp ở Hà Giang chăng? Phải chăng nó nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương? 2. Đã 2 lần tôi đến thăm cột cờ Lũng Cú, nhưng lần này tôi mới leo 140 bậc thang trong lòng cột cờ để lên tới đỉnh cột cờ. Gió thổi lồng lộng, nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang bên dưới, nhìn 2 hồ nước người Hà Giang đặt tên là “mắt Rồng”, cảm giác chân tôi cũng thấy run run, ruột gan hơi thót lại một chút, nhưng đầy cảm xúc và tình yêu Tổ quốc đến cháy lòng.
Tiếng người hướng dẫn nghe văng vẳng: Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh núi Rồng của xã Lũng Cú huyện Đồng Văn, Hà Giang ở độ cao 1.470m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú là nơi địa đầu của Tổ quốc có ý nghĩa thiêng liêng và tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ triều Lý...
Năm 1887, cột cờ được xây dựng lại và trải qua nhiều lần tu sửa khác nhau nên có độ cao, kích thước khác nhau. Năm 1978, lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú được thay thế bằng lá cờ có kích thước 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc trong gia đình Việt Nam. Mỗi tuần, có khi chưa được một tuần phải thay một lá cờ mới vì trên đỉnh gió rất mạnh, chỉ mấy ngày là cờ rách…
Trong đầu tôi lại miên man nghĩ ngợi những chuyện khác. Nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió, tôi nghĩ về những chiến sĩ, những người dân đã hy sinh vì Tổ quốc, nghĩ về những con người đang làm đẹp cho đất nước quê hương.
Lần nào về Hà Giang, tôi và những người bạn đồng hành cũng ghé đặt hoa, thắp nhang tại nghĩa trang Vị Xuyên. Năm ngoái, đi cùng Ban Tuyên giáo thành ủy TPHCM, chúng tôi còn có đêm văn nghệ tại nghĩa trang. Nhưng nào đã đủ cho những người đã nằm xuống vì vì sự yên bình của Tổ quốc.
Mặt trời đã dần khuất sau dãy núi Rồng. Người sĩ quan biên phòng đồn Lũng Cú ra hiệu lệnh chào cờ. Chúng tôi cùng hòa giọng hát bài Quốc ca, dưới chân cột cờ Lũng Cú. Tôi lại khẽ liếc nhìn sang các bạn đồng hành, gương mặt họ cũng ngập tràn xúc động. Trời đã tối hẳn khi chúng tôi về đồn biên phòng Lũng Cú. Các sĩ quan và chiến sĩ biên phòng vẫn chờ đón chúng tôi.
Thật trang trọng mà cũng đầm ấm. Người chính trị viên của đồn kể chúng tôi nghe chuyện công việc của các anh hàng ngày, hàng đêm. Khó khăn, nguy hiểm, gian khổ mà chúng tôi không biết sao để chia sẻ. Và tôi mới biết thêm một điều đặc biệt: ngoài công việc của những sĩ quan, chiến sĩ biên phòng, đồn biên phòng Lũng Cú còn nuôi dưỡng ba em nhỏ người dân tộc bị bỏ rơi và dạy các em học.
Nhưng đỉnh cao của cảm xúc là khi người Chính trị viên đồn Lũng Cú tặng Hội Điện ảnh TPHCM một lá cờ, lá cờ có số hiệu 369 được treo trên cột cờ Lũng Cú từ ngày 20 đến 25-6-2018. Tôi nhận lá cờ nghẹn ngào xúc động.
Nhìn các bạn đồng hành của mình, tôi lại thấy những đôi mắt đỏ hoe, những gương mặt tràn ngập xúc động xen lẫn tự hào. Lá cờ có kích thước 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam, từ nay sẽ được để trân trọng trong bảo tàng nho nhỏ của Hội Điện ảnh TPHCM.
3. Người hướng dẫn của Công ty lữ hành Sài Gòn Tourist tên Trường Nam, rủ chúng tôi chuyến đi Đông Bắc lần này phải lên Mẫu Sơn ngủ một đêm. Mình thường được nghe tên địa danh này trong bản dự báo thời tiết: đỉnh Mẫu Sơn hôm nay có băng giá, Mẫu Sơn hôm nay nhiều sương mù, có khả năng có tuyết. Nghe nói cũng đã có nhiều người rủ nhau lên Mẫu Sơn để coi tuyết rơi.
Trường Nam giới thiệu với chúng tôi một cách rành rọt. Mẫu Sơn là vùng núi cao, hướng Đông Tây, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nằm cách TP Lạng Sơn 30 km về phía Đông, giáp với biên giới Việt-Trung.
Đây là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800-1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là đỉnh Công Sơn cao 1.541m. Mẫu Sơn có diện tích khoảng 550km². Dân cư Mẫu Sơn sống rải rác gần khu rừng trồng, thuộc vành đai thấp với độ cao không quá 700m so với mặt nước biển.
Về mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây 15,5 °C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ, khí hậu luôn ẩm ướt. Mẫu Sơn là nơi đón gió mùa Đông Bắc đầu tiên vào lãnh thổ Việt Nam, nên mùa đông ở đây rất khắc nghiệt và thường xuyên có băng giá, sương mù.
Vùng núi Mẫu Sơn là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Nhưng dân cư hiện ở đây cũng không nhiều, chủ yếu chỉ có những người làm trong các nhà hàng, khách sạn ăn ở mỗi ngày. Buổi chiều tối họ lại về TP Lạng Sơn hoặc thị trấn dưới chân núi. Từ năm 1925, đã có 16km đường giao thông nối từ quốc lộ lên đến đỉnh núi. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao...
Đã vài lần đến Lạng Sơn, nhưng đây là lần đầu tôi lên đỉnh Mẫu Sơn. Đầy sự đe dọa, Mẫu Sơn đón chúng tôi bằng những đợt gió thốc lạnh ngắt làm ai cũng chụp vội khăn quàng, áo khoác. Rồi mặc kệ gió lạnh, cả đoàn kéo nhau lên đồi vọng cảnh, đỉnh cao nhất của phần núi chúng tôi ở, khoảng 1.400m so với mặt biển. Những gian hàng quán bên đường dốc bán mật ong, những quả chanh rừng, quả nho rừng. Người Dao, Nùng, Tày mang đến những loại củ rừng, rễ cây rừng, dứa dại… để làm thuốc. Màu sắc của những chiếc khăn, chiếc váy, chiếc túi của họ làm quang cảnh Mẫu Sơn sáng hẳn lên. Những cơn gió như cũng bớt lạnh giá.
Tôi dành trọn một buổi sáng đi ngắm khu nhà hoang trên đỉnh Mẫu Sơn. Chị Thủy, người quản lý khu nhà nghỉ 9 gian kể tôi nghe, năm 1935 người Pháp đã xây dựng ở Mẫu Sơn một khu nghỉ dưỡng, với nhiều ngôi nhà và biệt thự cổ giống ở Tam Đảo. 10 năm trước, việc làm ăn rất khá, thường xuyên thiếu phòng. Nhưng bây giờ lượng khách ít lắm, chỉ còn tập trung vào mùa hè và dịp cuối tuần.
Hầu hết du khách lên đỉnh Mẫu Sơn chỉ để đi dạo, chụp ảnh rồi về. Ít ai nghỉ lại. Không có khách đến, du lịch Mẫu Sơn không có nguồn thu để phát triển. Những nhà nghỉ, khách sạn ế ẩm, xuống cấp và hư hỏng dần. Chị Thủy nói thêm, giọng đầy ngậm ngùi: Mẫu Sơn có thể phát triển du lịch sinh thái, nhờ khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá các dân tộc của miền núi rất đặc sắc. Vậy mà…
Nhìn những khu biệt thự cổ, những nhà nghỉ một thời chắc là rất đẹp, tôi cứ tiếc đến ngẩn ngơ. Những mái nhà, những bức tường phủ đầy rêu phong tuyệt đẹp. Bối cảnh này mà quay phim, đặc biệt là những phim có đề tài huyền bí, kinh dị khỏi cần họa sĩ thiết kế dựng cảnh, vì nó thật vô cùng mà khó có họa sĩ thiết kế nào dựng được cảnh như vậy.
Dịp Trung thu năm 2014, đoàn chúng tôi đã đến Hà Giang để tặng lồng đèn cho các em nhỏ ở ngôi trường thuộc địa phận Phố Cáo. Giờ trở lại thăm, thấy ngôi trường nhỏ ngày trước đã được xây dựng lại khang trang hơn. Rất mừng. Các thầy cô dạy ở trường ngày ấy vẫn còn nhớ chúng tôi.
Vì đường dài, nhiều điểm phải dừng, phải thăm, phải ngắm nên thời gian đi của chúng tôi bao giờ cũng gấp rút. Giá mà chúng tôi có nhiều thời gian hơn để thăm mọi vùng đất của Tổ quốc. Bởi chính việc biết thêm những vùng đất của Tổ quốc, nghe những câu chuyện kể, gặp các em nhỏ thơ ngây… là những cảm xúc, đề tài để chúng tôi sáng tác, biểu diễn.
Tháng 12-2018