Đóng quân tại một điểm nóng tiền tuyến ngay phía nam thị trấn Izyum chiến lược ở Donbass, Oleksiy đang sử dụng sức mạnh của Starlink - hệ thống liên lạc vệ tinh do công ty SpaceX của Elon Musk vận hành.
Khi lập kế hoạch phản công hoặc nã pháo, anh gọi điện cho cấp trên để xin lệnh vào phút cuối, thông qua một thiết bị thu vệ tinh Starlink hình chữ nhật được giấu trong hố đất nông ở một khu vườn bỏ hoang. Thiết bị công nghệ cao này được nối với một máy phát điện ồn ào.
Starlink không chỉ hỗ trợ về thông tin liên lạc quân sự. Những người khác trong lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine thông báo cho bạn bè và gia đình biết họ đang an toàn cũng thông qua các tin nhắn vệ tinh được mã hóa hàng ngày, sau khi mạng di động địa phương bị cắt đứt cách đây vài tuần trong trận pháo kích lớn.
Vào thời gian thấp điểm, Oleksiy và đồng đội theo dõi những diễn biến mới nhất của cuộc chiến qua kết nối internet của Starlink và khi các trận đấu pháo tạm lắng, họ chơi game “Call of Duty” trên điện thoại thông minh trong lúc trú ẩn dưới boongke chờ lệnh.
“Cảm ơn Elon Musk”, Oleksiy nói ngay sau khi đăng nhập internet qua hệ thống vệ tinh Starlink và đọc được tin chính quyền Mỹ sẽ gửi tên lửa tầm xa cho quân đội Ukraine. “Đây chính xác là những gì chúng tôi cần,” anh nói.
Từ các cuộc tấn công bằng pháo cho đến cuộc gọi Zoom, dịch vụ internet của tỷ phú công nghệ Elon Musk đã trở thành một “cứu tinh” của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
100 ngày đầu tiên Nga tấn công nước láng giềng phía Tây đã chứng kiến hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều hơn thế số người bị thương hơn. Các lực lượng Ukraine hiện đang lâm vào một cuộc chiến tiêu hao với quân đội Nga, nhưng vẫn tiếp tục kháng cự ở miền đông.
Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước NATO khác đã viện trợ hàng tỷ đô la thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2. Nhưng không thể không nhắc tới vai trò của hệ thống vệ tinh Starlink - một cụm các vệ tinh chỉ to bằng bàn tay, bay ở độ cao 200km phía trên Ukraine, cho phép truy cập Internet tốc độ cao – như một vị cứu tinh bất ngờ cho Ukraine, cả trên chiến trường và trong cuộc chiến tuyên truyền.
Máy bay không người lái của Ukraine đã dựa vào Starlink để thả bom vào các vị trí tiền phương của Nga. Người dân ở các thành phố bị bao vây gần biên giới Nga giữ liên lạc với người thân thông qua tin nhắn được mã hóa. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy thì thường xuyên cập nhật thông tin với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội thông qua mạng lưới của Musk, cũng như tổ chức gọi Zoom nhờ truy cập internet qua Starlink với các chính trị gia toàn cầu như Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron.
Lực lượng Ukraine từng đóng quân tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã duy trì liên lạc với chỉ huy của họ, thậm chí cả Tổng thống Zelenskyy, bởi họ có một hệ thống Starlink tại pháo đài bị bao vây này.
Tất cả nói lên một điều, hệ thống Starlink - và việc Ukraine sử dụng mạng vệ tinh cho cả mục đích quân sự và dân sự - đã cản trở nỗ lực của Nga, mang lại cho Kiev một lợi thế cần thiết trong cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã cung cấp cho mạng lưới vệ tinh non trẻ của Musk và SpaceX một cuộc thử nghiệm ấn tượng, có thể kích thích sự quan tâm của nhiều quân đội phương Tây. Các chỉ huy đã ấn tượng trước khả năng của công ty, chỉ trong vòng vài ngày, đã cung cấp hàng nghìn trạm vệ tinh nhỏ cho đất nước bị chiến tranh tàn phá và duy trì chúng luôn trực tuyến bất chấp các cuộc tấn công ngày càng tinh vi được cho là từ các tin tặc Nga.
Thiết bị thu tín hiệu Starlink hình chữ nhật được đặt dưới một hố đất, gần thị trấn Izyum, vùng Kharkiv vào tháng 5. Ảnh: Politico
“Chúng tôi có hơn 11.000 trạm Starlink, chúng giúp chúng tôi chiến đấu hàng ngày trên mọi mặt trận”, Phó Thủ tướng Ukraine, Mykhailo Fedorov, phát biểu. “Chúng tôi đã sẵn sàng, ngay cả khi không có điện, không có internet cố định, thông qua các máy phát điện sử dụng Starlink, để lập lại bất kỳ kết nối nào ở Ukraine.”
Theo các báo cáo tình báo, chỉ một giờ trước khi quân đội Nga tiến hành chiến dịch tổng lực vào rạng sáng ngày 24/2, Điện Kremlin đã tấn công thành công Viasat, một nhà cung cấp vệ tinh được quân đội Ukraine sử dụng để liên lạc với lực lượng tiền tuyến. Cuộc tấn công mạng này làm tê liệt hệ thống liên lạc quân sự của Ukraine và ảnh hưởng tới hàng nghìn người dùng internet khác trên khắp châu Âu.
Chính phủ của Tổng thống Zelenskyy hiểu rằng việc truy cập internet - cho cả quân đội và dân thường - sẽ rất quan trọng khi chiến tranh xảy ra. Các binh sĩ cần phương tiện liên lạc ổn định giữa lửa khói của chiến tranh, và các đoạn video ghi lại những cuộc tấn công cần được đưa trực tiếp đến điện thoại thông minh của mọi người trên toàn thế giới.
SpaceX, với mục tiêu phóng hơn 40.000 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái đất trong những năm tới, đã nhanh chóng định vị khoảng 50 vệ tinh sẵn sàng được sử dụng ở Ukraine. Nhưng quy trình phê duyệt của chính phủ đã làm chậm quá trình triển khai.
Hai ngày sau khi Nga tấn công, vào 26/2, Phó Thủ tướng Ukraine, Fedorov, cũng là Bộ trưởng kỹ thuật số đã nhắn tin trực tiếp cho Elon Musk để yêu cầu khẩn cấp gửi thiết bị Starlink. Hai ngày sau, lô hàng đầu tiên đã tới.
Starlink không phải là nhà cung cấp vệ tinh thương mại đầu tiên được sử dụng trên chiến trường. Quân đội Mỹ đã sử dụng các mạng riêng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất - một chiến thuật đã trở thành trụ cột của các khu vực xung đột trên toàn cầu.
Nhưng vị trí của hệ thống - ở đây là mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp - sẽ tạo nên khác biệt về khả năng chống lại các cuộc tấn công từ phía Nga.
Không giống như các vệ tinh quỹ đạo cao truyền thống - bay quanh Trái đất hàng nghìn km, lơ lửng phía trên một điểm ở mặt đất và truyền tín hiệu vô tuyến xuống, thế hệ vệ tinh quỹ đạo thấp mới dựa vào nhiều vệ tinh hoạt động trong một chùm. Cấu hình đó khiến việc làm vô hiệu hóa chúng trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể, vì kẻ tấn công sẽ phải xác định chính xác tất cả các vệ tinh cùng một lúc, để làm tê liệt toàn bộ hệ thống.
Thiết bị Starlink được Elon Musk gửi tới Ukraine. Ảnh: Getty Images
Starlink cũng vậy, dễ thích ứng hơn vì mã máy tính của mỗi thiết bị có thể nhanh chóng được thay đổi để phản ứng với các vụ tấn công có thể xảy ra. Tháng trước, ông Musk cho biết Nga đang "tăng cường" các cuộc tấn công mạng vào hệ thống của ông và SpaceX đã nhiều lần viết lại mã để đi trước Nga một bước.
Cùng với những tiến bộ công nghệ gia tăng khác, bao gồm cung cấp Internet tốc độ cao, hệ thống vệ tinh của Musk thể hiện một bước thay đổi về cách thức các vệ tinh có thể được triển khai và sử dụng trong các khu vực xung đột.
Ngay sau khi thiết bị Starlink đầu tiên đến Kiev, ông trùm công nghệ sinh ra ở Nam Phi đã trao đổi nhanh với Phó Thủ tướng Ukraine, Fedorov. Ông cũng nói chuyện với Tổng thống Zelenskyy trên Zoom về việc triển khai Starlink và hứa sẽ thăm Ukraine ngay sau khi chiến tranh kết thúc.
Trong các tuyên bố công khai, công ty cho biết tài trợ cho hệ thống liên lạc vệ tinh ở Ukraine - ước tính khoảng 15 triệu USD. SpaceX cam kết chi trả cho tất cả các truy cập internet, mà với những người sống ngoài Ukraine sẽ tốn 110 USD/tháng.
Đối với Alisa Kovalenko, người mới xin nhập ngũ sau khi Nga phát động chiến dịch tấn công và hiện chiến đấu với Lữ đoàn cơ giới số 92 gần biên giới Nga ở phía bắc Kharkiv, chiếc đĩa vệ tinh của cô được tặng bởi một nhóm tình nguyện viên Ukraine.
Kovalenko nói với Politico qua điện thoại kết nối Starlink: “Chúng tôi sẽ không thể liên lạc với thế giới bên ngoài nếu không có Starlink”.