Nhiều khác biệt giữa nghị định và hiệp định
VPA-FLEGT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2019. Ngay sau đó, Chính phủ đã tích cực “nội luật hóa” nội dung hiệp định này thành các điều khoản của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1-9-2020, nhằm quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS). Tuy nhiên, đại diện EU cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được hoặc mới đáp ứng được một phần các tiêu chuẩn EU đưa ra.
Theo ông Rui Ludovino, Tham tán Thứ nhất về Hành động biến đổi Khí hậu - Môi trường - Chính sách xã hội và Việc làm của EU, giữa Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA-FLEGT vẫn còn nhiều sự khác biệt. Điển hình như các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng, nguồn gỗ, kiểm soát nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, cấp phép FLEGT, đánh giá độc lập... Do đó, cần phải có giải pháp điều chỉnh để đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ được lưu thông giữa Việt Nam và EU là gỗ hợp pháp, đảm bảo tính bền vững.
Trong khi đó, ông Tim Dawson, chuyên gia Viện Lâm nghiệp EU (EFI), nhận xét phạm vi điều chỉnh của VNTLAS so với VPA-FLEGT mới phù hợp một phần. Cụ thể, nghị định chỉ đề cập tới gỗ nhập khẩu và xuất khẩu, trong khi các giai đoạn khác của chuỗi cung ứng (khai thác, vận chuyển, mua bán và chế biến gỗ) tuân thủ theo các quy định pháp luật khác liên quan. Bên cạnh đó, phạm vi các doanh nghiệp, hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp của VNTLAS chỉ áp dụng cho doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu gỗ, trong khi hệ thống phân loại tổ chức của VPA-FLEGT áp dụng cho tất cả tổ chức trong toàn bộ chuỗi cung.
“Cách xác định nguồn gốc gỗ của Nghị định VNTLAS cũng chưa phù hợp so với Hiệp định VPA-FLEGT. VPA-FLEGT định nghĩa gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác và chế biến hợp pháp, không có khái niệm “tạm nhập tái xuất” áp vào “gỗ sau xử lý tịch thu”. Vì vậy cần thống nhất gỗ tạm nhập tái xuất cũng phải chịu kiểm soát nhập khẩu” - ông Tim Dawson.
Cần giải pháp lâu dài
Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc gỗ là vấn đề gây tranh cãi từ nhiều năm qua, đây cũng là rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Ngay cả việc “nội luật hóa” là xây dựng Nghị định VNTLAS của Chính phủ, quy định về vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng gặp nhiều vướng mắc.
Báo cáo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho thấy hiện nay ngoài nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước, Việt Nam đang nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ nhiều quốc gia và vùng địa lý, trong đó tập trung chính ở châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guine (PNG). Đơn cử, tại châu Phi, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gỗ từ 20-22 quốc gia ở châu lục này.
Nếu áp dụng tiêu chí đã đưa ra tại Nghị định VNTLAS, hầu hết quốc gia này đều rơi vào trạng thái vùng địa lý hoặc quốc gia có rủi ro cao. Cụ thể, sẽ có 7/100 loài gỗ tròn và 12/83 loài gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam rơi vào danh sách loài rủi ro. Tương tự, gỗ nhập từ Lào có 5/14 loài gỗ tròn và 25/64 loài gỗ xẻ nằm trong danh sách loài rủi ro, có rủi ro. Gỗ nhập từ Campuchia, các loài gỗ tròn có 7/15 loài rủi ro, gỗ xẻ có 14/32 loài rủi ro.
Hiện nay có khoảng 495 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ từ châu Phi, từ Lào 163 doanh nghiệp, Campuchia 52 doanh nghiệp và PNG 28 doanh nghiệp. Theo quy định của Nghị định VNTLAS, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro, tức là vùng địa lý hoặc loài rủi ro, các doanh nghiệp phải bổ sung thông tin chứng minh tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, phải chịu sự kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng và mức độ kiểm tra tăng so với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ thông thường. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không dễ dàng.
Theo Viforest, trong tương lai Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp nên thay thế sử dụng gỗ nhiệt đới nhập khẩu bằng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ rừng trồng, sử dụng gỗ từ nguồn rủi ro thấp. Trong khi đó, phía EU khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng tiêu chuẩn kiểm soát truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu bằng công nghệ song song với giấy tờ chứng nhận và kiểm tra hải quan.
Cụ thể, đối với các vùng rừng trồng gỗ nguyên liệu, các chủ rừng sẽ phải khai báo thông tin đầy đủ lên hệ thống dữ liệu như diện tích, loại gỗ, số tuổi của cây, giấy phép khai thác và canh tác rừng, trữ lượng khai thác... Sau đó, trước khi khai thác để chế biến hay xuất khẩu, chủ rừng cũng phải khai báo ngày, tháng khai thác lên hệ thống.
Dựa trên dữ liệu thông tin chủ rừng đã khai báo, cung cấp, vệ tinh sẽ xử lý và định vị. Khi gỗ thành phẩm của chủ rừng đưa đi xuất khẩu, cơ quan chức năng hay khách hàng chỉ cần truy cập vào hệ thống để kiểm tra, xem loại gỗ, số gỗ trên đang làm thủ tục xuất khẩu có đúng khai thác ở vị trí rừng đã định vị và có ảnh làm minh chứng hay không.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết đã xây dựng và thử nghiệm thành công “Hệ thống giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ” (HAWA DDS 1.0). Hệ thống này sẽ tạo lập, kết nối, lưu trữ các bằng chứng hợp pháp của gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước, từ đó tạo ra giấy chứng minh nguồn gốc gỗ với mã QR đi kèm.
Khi người dùng quét mã QR này bằng thiết bị di động, hệ thống sẽ mở ra chức năng “trung tâm giải trình”, với đầy đủ thông tin và bằng chứng liên quan đến nguồn gốc gỗ, bao gồm hồ sơ chủ rừng, hồ sơ đất trồng, hồ sơ lô rừng, bản đồ vệ tinh, các chứng chỉ đi kèm (nếu có), hồ sơ chủ gỗ đầu tiên, hồ sơ khai thác, thông tin chi tiết về lô gỗ. Thông qua đó, sẽ giúp người mua dễ dàng đánh giá mức độ an toàn về tính hợp pháp của lô gỗ trước khi quyết định mua.
Khi nghị định và hiệp định vẫn vênh nhau về quy định thực thi, đồng nghĩa với việc gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt Nam khó xuất khẩu vào EU và được hưởng mức ưu đãi thuế quan như thỏa thuận trong EVFTA. |