Nhiều khủng hoảng cùng lúc
Sự bế tắc trong cải cách có nguy cơ khiến WTO trở nên ít phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh. Xét cho cùng, thương mại toàn cầu tiếp tục phát triển một cách năng động thông qua tiến bộ công nghệ và số hóa, nhưng đồng thời cũng nâng tầm quan trọng của các vấn đề cạnh tranh toàn cầu liên quan đến sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng mang tên tham vọng và biến dạng. Mỗi nước đều có tham vọng riêng, khiến những quy tắc của WTO bị biến dạng có chủ đích theo tham vọng của nước đó.
Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác cùng chí hướng hiện đang nỗ lực làm việc để đạt được các thỏa thuận đa phương giữa các thành viên đầy tham vọng. Các cuộc đàm phán đa phương đang được tiến hành về thương mại kỹ thuật số (thương mại điện tử), tạo thuận lợi đầu tư, thương mại và giới tính, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngành công nghiệp Đức hy vọng đạt được thỏa thuận về thương mại điện tử và tạo thuận lợi đầu tư vào nửa đầu năm 2023. Những thỏa thuận như vậy có thể dẫn đến việc hoạch định quy tắc đa phương ở giai đoạn sau. Thật không may, gần đây Ấn Độ và Nam Phi đã cản trở việc cho phép các hình thức đa phương tham gia vào khuôn khổ đa phương và đe dọa ngăn chặn tiến bộ.
Bên cạnh việc đàm phán các quy tắc thương mại mới, trụ cột quan trọng khác của WTO là giám sát việc tuân thủ các quy tắc WTO đã được thiết lập. Điều này bao gồm việc thu thập dữ liệu thương mại để làm các xu hướng thương mại toàn cầu trở nên minh bạch và phân tích chúng. Sự gia nhập của WTO trên trường thế giới với tư cách là tổ chức tư vấn thường được coi là trụ cột nữa của tổ chức.
Tuy nhiên, nền tảng cho việc giám sát và minh bạch là các thành viên phải thông báo hợp lệ về các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và hạn chế thương mại họ đã đưa ra cho WTO. Rất tiếc, nghĩa vụ thông báo này không được đáp ứng đầy đủ, dẫn đến cuộc khủng hoảng minh bạch. Số lượng thành viên không thông báo về các chính sách trợ cấp thương mại của họ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. 4 thỏa thuận tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12, tháng 6-2022), bao gồm tham chiếu đến thông báo, nhưng lại không có cơ chế thực thi.
MC12 đã đưa ra gói đa phương, nhưng sự bất đồng vẫn còn và WTO vẫn đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.
Một trụ cột trọng tâm khác của WTO là giải quyết tranh chấp, cho phép các quốc gia thành viên hành động chống lại những vi phạm tiềm tàng đối với luật thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, kể từ tháng 12-2019, cơ chế giải quyết tranh chấp sơ thẩm thứ 2 đã bị tê liệt do Mỹ phong tỏa việc bổ nhiệm thành viên Cơ quan Phúc thẩm mới, dẫn đến khủng hoảng giải quyết tranh chấp. Hiện tại không thể thực hiện được một giải pháp mang tính ràng buộc đối với các tranh chấp hiện tại và mới; một số sáng kiến cải cách nhằm vượt qua lệnh phong tỏa đã không thể tìm được sự hỗ trợ từ Mỹ.
Sự thay đổi quan điểm của Mỹ với Trung Quốc
Khi Trung Quốc trở thành thành viên của WTO vào ngày 11-12-2001, các nhà kinh doanh tự do thuộc cả 2 đảng chính trị ở Mỹ đều hoan nghênh. Thế nhưng, 10 năm sau, những lời chỉ trích về việc Trung Quốc gia nhập WTO lại nổi lên ở Mỹ. Chủ yếu là cuộc tranh luận về quy mô và tầm quan trọng của “cú sốc Trung Quốc” đối với thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế địa phương, đã biến thành cuộc tranh luận mang tính chính trị hóa cao độ.
Một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là vào tháng 9-2009, khi Tổng thống Barack Obama áp dụng thuế quan để ngăn chặn điều ông mô tả là “sự gia tăng có hại” của việc nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc vào Mỹ. Từ năm 2009-2016, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đệ trình 13 đơn khiếu nại lên WTO chống lại Trung Quốc - tất cả đều được giải quyết thành công hoặc ra phán quyết có lợi cho Mỹ.
Hơn nữa, chính quyền Obama đã áp đặt nhiều loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ năm 2009. Đến tháng 9-2017, trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và áp đặt mức thuế đơn phương 25% đối với thép và 10% đối với nhôm vào mùa xuân năm 2018, các biện pháp được chính quyền Obama thực hiện trước đó đã gần như ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu thép của Trung Quốc từ thị trường Mỹ.
Điều khiến Washington tức giận trong những năm dưới thời Obama cũng như bây giờ, là kể từ năm 2002, Cơ quan Phúc thẩm đã ra phán quyết chống lại việc Washington sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong một số quyết định mang tính bước ngoặt. Bắc Kinh đã thách thức thành công việc Washington sử dụng “zeroing”, một kỹ thuật dùng để tính toán biên độ phá giá đối với hàng nhập khẩu được lấy làm cơ sở cho các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, Cơ quan Phúc thẩm cũng ra phán quyết phản đối việc Mỹ sử dụng “biện pháp kép”, tức áp dụng đồng thời các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài việc không hài lòng với các quyết định khắc phục, USTR đã nhiều lần lập luận rằng các quy định hiện hành của WTO không đủ để đưa Trung Quốc ra tòa vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Do không hài lòng với các quyết định của Cơ quan Phúc thẩm WTO chống lại Mỹ, nước này đã ngăn chặn việc tái bổ nhiệm các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm. Cho đến nay, Mỹ vẫn không hề lay chuyển trước 2 đề xuất nhằm chấm dứt việc phong tỏa Cơ quan phúc thẩm do EU và các nước thành viên WTO khác đưa ra.
Do đó, EU và 19 thành viên WTO khác, bao gồm Brazil, Canada và Trung Quốc, đã thiết lập một giải pháp tạm thời: Kể từ tháng 4-2020, Thỏa thuận Trọng tài Khiếu nại Tạm thời Nhiều bên (MPIA) cho phép các bên tham gia, cùng với nhau, tiếp tục được hưởng lợi từ hệ thống giải quyết tranh chấp 2 giai đoạn đang hoạt động.
Dưới sự bảo trợ của WTO, cơ chế này cung cấp cho các quốc gia ký kết MPIA một cơ quan kháng cáo độc lập và ràng buộc - sẽ giải thể ngay khi Cơ quan phúc thẩm đa phương của WTO hoạt động trở lại.