Vì sao chứng khoán luôn có độ trễ khi phản ứng với lãi suất?

(ĐTTCO) - Phải chăng quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng, khi dòng vốn liên tục đổ vào thị trường chứng khoán, giúp VN Index phục hồi mốc 1.100 điểm?
Vì sao chứng khoán luôn có độ trễ khi phản ứng với lãi suất?

Phân tích từ các dữ liệu lịch sử

Nhìn lại giai đoạn 15 năm qua, kể từ tháng 6-2008 đến nay, NHNN đã 23 lần giảm lãi suất điều hành. Phản ứng trước những lần giảm lãi suất này, ngay thời điểm phiên giao dịch đầu tiên sau khi có thông báo, VN Index ghi nhận 12 phiên tăng điểm.

Đầu tiên là giai đoạn 2008-2011, TTCK rất khó khăn khi lạm phát ở mức rất cao (gần 20%), buộc NHNN phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Lãi suất điều hành tăng mạnh trong năm 2008, từ mức 7,5% cuối tháng 3 lên tới 15% vào tháng 6 và duy trì đến tháng 10. Lãi suất huy động cũng lên ngưỡng rất cao (17,5-18,5%/năm).

Cùng lúc, lãi suất điều hành biến động tương đối lớn, gây bất ổn cho mặt bằng lãi suất thương mại, rủi ro chính sách tăng cao khiến TTCK tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, VN Index vẫn ghi nhận đà tăng mạnh trong thời gian NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành. Ngược lại thị trường giảm sâu tại các giai đoạn lãi suất điều hành tăng.

Giai đoạn 2012-2014, lạm phát giảm dần tạo điều kiện để NHNN nới lỏng tiền tệ, khi giảm mạnh 8,5% lãi suất tái cấp vốn về mức 6,5%/năm, kéo theo đà giảm tương tự của mặt bằng lãi suất thương mại. Thời điểm đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm giảm từ 14% đầu năm 2012 về mức 6,8% cuối năm 2014, tương ứng mức giảm 7,2%/năm.

Giai đoạn này tương quan lãi suất điều hành và TTCK khá rõ nét. Lãi suất điều hành liên tục giảm mạnh và duy trì ổn định, thúc đẩy lãi suất thương mại giảm mạnh và TTCK ghi nhận đà tăng ấn tượng.

Giai đoạn 2019-2021 gắn liền với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm. Chính sách tiền tệ ở hầu hết quốc gia đều nới lỏng, thông qua bơm tiền và cắt giảm lãi suất để kích thích tổng cầu. Việt Nam cũng giảm mạnh lãi suất điều hành, khi lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6,25%/năm đầu năm 2019 về mức 4%/năm vào cuối năm 2021. Đặc biệt, lãi suất trên thị trường liên NH có nhiều thời điểm giảm về cận 0%.

Tác động từ lãi suất điều hành lên TTCK được thể hiện rất rõ trong giai đoạn này. Việc NHNN liên tục giảm lãi suất và bơm tiền dẫn tới mặt bằng lãi suất thương mại giảm mạnh, duy trì ở mức thấp trong hầu hết thời gian. Lãi suất thấp là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, nổi bật là TTCK. Chỉ số VN Index tăng ngoạn mục, vượt mốc lịch sử 1.500 điểm trong năm 2021.

TTCK sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, VN Index có thể tăng rõ nét hơn sau khoảng 3-7 tháng kể từ khi phát đi thông báo giảm lãi suất gần nhất vào ngày 16-6.

Giai đoạn 2022 kinh tế thế giới mở cửa trở lại làm gia tăng nhu cầu về hàng hóa, cộng hưởng cùng xung đột Nga - Ukraine và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao.

Chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên toàn thế giới. Mỹ đi đầu trong làn sóng tăng lãi suất điều hành, với mức tăng kỷ lục 4,25% trong năm 2022, tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VNĐ, buộc NHNN phải thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất tiền đồng tương ứng.

Tương quan giữa lãi suất điều hành và TTCK trong năm 2022 tương đối chặt chẽ. Đà tăng lãi suất điều hành đi kèm các động thái hút tiền liên tục từ NHNN, đã kéo mặt bằng lãi suất thương mại tăng rất mạnh. Lãi suất tăng hấp dẫn dòng tiền từ các kênh đầu tư sang tiết kiệm. Dòng tiền rút khỏi TTCK và VN Index giảm kỷ lục trong năm 2022.

Độ trễ 3-7 tháng

Có thể nhận thấy trong suốt giai đoạn 15 năm của TTCK, với việc các chính sách điều hành của NHNN có những thay đổi theo hướng đi sát hơn với thực tiễn của thị trường, đã khiến mối tương quan giữa TTCK với việc điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN trở nên rõ ràng hơn. Nhìn chung, lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian đủ lớn, TTCK thường tăng mạnh và ngược lại giảm khi lãi suất điều hành tăng hoặc thiếu tính ổn định.

Tuy nhiên, có vẻ các dữ liệu trên đã không có sự tương thích với TTCK sau 4 đợt điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN mới đây. Khác biệt này, theo nhận định của CTCK Vietinbank (CTS), việc giảm lãi suất của NHNN chưa tác động nhiều tới thị trường do đà giảm không nhiều, thời gian chưa đủ lâu, mặt bằng lãi suất thương mại vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, TTCK giai đoạn này chịu áp lực từ nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ, bao gồm khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng. Vì thế, việc giảm lãi suất điều hành cần duy trì trong thời gian dài với mức độ giảm mạnh hơn, tác động lên TTCK mới rõ ràng.

Song có thực tế đáng mừng, là tổng thể vĩ mô ổn định và khả năng có thể duy trì trong phần còn lại của năm 2023. Kế đến là lạm phát có xu hướng giảm dần và tỷ giá ổn định tạo dư địa rất lớn cho NHNN tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành.

Với những phân tích nói trên, CTS nhận định TTCK sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, VN Index thể tăng rõ nét hơn sau khoảng 3-7 tháng kể từ khi phát đi thông báo giảm lãi suất gần nhất vào ngày 16-6.

CTCK này cũng đưa ra dự báo, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 được dự báo sẽ giảm tương ứng với đà giảm lãi suất điều hành, có thể giảm thêm 0,5% trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, kỳ hạn 1 năm (áp dụng cho tiền gửi cá nhân) dự báo duy trì ở mức 7-8%/năm, tương đương mức P/E tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ 12,5-14x.

Hiện tại, P/E TTCK khoảng 10-11x và trong xu hướng thị trường tăng. Do đó, kỳ vọng P/E thị trường có thể đạt ít nhất bằng P/E tiền gửi, đồng nghĩa kỳ vọng chỉ số VN Index tăng thêm khoảng 25-30% trong năm 2023 với độ trễ có thể sang quý I-2024.

Thực tế, lãi suất cao trên 10% đã xuất hiện từ tháng 11-2022. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng gửi trong thời gian đó nay đã đến kỳ đáo hạn. Trong bối cảnh lợi tức tiền gửi ở các nhà băng đã bắt đầu giảm sâu, trong khi các kênh đầu tư đang ấm dần lên, trên TTCK trong 1 tháng trở lại đây khối ngoại đã liên tục bán ròng mạnh, song VN Index lại không giảm sâu.

Mặt khác, khối lượng giao dịch của khối cá nhân lại tăng lên. Những điều này cho thấy dòng tiền sau khi tất toán sổ tiết kiệm đã bắt đầu tìm đến kênh đầu tư này. Dự báo dòng tiền còn đổ vào TTCK mạnh hơn khi có thêm dòng tiền từ gửi tiết kiệm 9, 12 và 13 tháng đáo hạn.

Các tin khác