Tiền cá nhân trở lại với chứng khoán là dòng 'tiền cũ' hay 'tiền mới'?

(ĐTTCO) - Cuối cùng thị trường chứng khoán đã đón nhận tín hiệu rõ ràng đầu tiên về dòng tiền đang dịch chuyển trở lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm xuống.
Tiền cá nhân trở lại với chứng khoán là dòng 'tiền cũ' hay 'tiền mới'?

Về lý thuyết, việc dịch chuyển này không khó đoán và cũng đã được dự báo từ tháng 4 khi mặt bằng lãi suất liên tục giảm. Song phải đến khi số liệu mở tài khoản CK mới tăng vọt trong tháng 5 vừa qua điều đó mới được xác nhận.

Sức hút CK đã trở lại

Thời điểm gần nhất số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới hàng tháng của NĐT cá nhân trong nước vượt quá con số 100.000 vào tháng 9-2022 (với 102.144 tài khoản). Suốt 7 tháng sau đó, con số này giảm dần và đến tháng 4-2023 thì “chạm đáy” 39 tháng khi chỉ còn 22.638 tài khoản. Tháng 5 con số bất ngờ vọt tăng trở lại đạt 104.624 tài khoản mới.

Hoạt động mở tài khoản đầu tư sôi động trở lại là bằng chứng rõ nhất về mối quan tâm của NĐT đối với kênh chứng khoán. Thanh khoản giao dịch hàng ngày trên TTCK là kết quả của các lệnh mua và bán gặp nhau. Không dễ để phân biệt giao dịch đó là “tiền mới” hay “tiền cũ”, vì rất có thể NĐT vẫn sử dụng tài khoản đầu tư hiện có để mua bán.

Tuy nhiên, khi đã mở mới tài khoản, đó chắc chắn là một lượng NĐT hoàn toàn mới bắt đầu quan tâm đến kênh đầu tư này (lượng mở thêm tài khoản để chuyển dịch vụ từ công ty chứng khoán này sang công ty khác cũng có, nhưng không đủ lớn để tạo sai số đáng kể).

Giá trị khớp lệnh trung bình hàng tháng (tỷ đồng) và số tài khoản mở mới của NĐT cá nhân trong nước. Tín hiệu phục hồi và phù hợp với cả hai đã rõ nét hơn trong tháng 5-2023.

Giá trị khớp lệnh trung bình hàng tháng (tỷ đồng) và số tài khoản mở mới của NĐT cá nhân trong nước. Tín hiệu phục hồi và phù hợp với cả hai đã rõ nét hơn trong tháng 5-2023.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà số lượng NĐT mới lại nhiều lên trong giai đoạn tháng 5 vừa qua. Có nhiều yếu tố kết hợp để dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên là chu kỳ tiền gửi lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng đã kết thúc. Nếu nhớ lại, cơn sốt tăng lãi suất huy động đạt đỉnh điểm vào tháng 12-2022 và tháng 1-2023.

Và từ tháng 5 trở đi, những cuốn sổ tiết kiệm đáo hạn từng đợt và có thể khẳng định sẽ còn tiếp diễn trong tháng 6 và tháng 7. Mặt khác, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 này, tuy VN Index tăng rất ít, nhưng CP lại tăng rất mạnh ở nhiều CP vừa và nhỏ. Thống kê sơ bộ trên sàn HoSE từ đầu tháng 5 đến nay đã có ít nhất 150 CP đạt tỷ suất sinh lời từ 10% trở lên.

Cũng phải lưu ý rằng, tỷ suất sinh lời tiết kiệm cao nhất thời kỳ đạt đỉnh tháng 1-2023 cũng chỉ loanh quanh ngưỡng này. Khoảng 100 CP sinh lời trên 15% trong thời gian này và gần 70 mã sinh lời trên 20%. Thậm chí thời điểm hiện tại bắt đầu có hiện tượng NĐT lên các mạng xã hội, diễn đàn để khoe lãi. Có thể nói đây là thời điểm hoàn hảo để chứng khoán thu hút sự chú ý của xã hội, khi những món tiền gửi vừa đáo hạn và cơ hội kiếm lời trên TTCK lại quá hấp dẫn.

Xu hướng tìm kiếm trên Google về từ khóa “chứng khoán” (màu xanh) và “lãi suất” (màu cam) thể hiện sự tương phản rất rõ và phù hợp về mặt thời điểm của tính chu kỳ trên hai thị trường này.

Xu hướng tìm kiếm trên Google về từ khóa “chứng khoán” (màu xanh) và “lãi suất” (màu cam) thể hiện sự tương phản rất rõ và phù hợp về mặt thời điểm của tính chu kỳ trên hai thị trường này.

Một tín hiệu khá thú vị và trùng hợp khác là xu hướng tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm như Google cũng cho thấy, hoạt động tìm kiếm từ khóa “lãi suất” và “chứng khoán” ngược chiều nhau. Giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12-2022 nhu cầu tìm kiếm về lãi suất tăng vọt, trong khi tìm kiếm về chứng khoán lại giảm. Dữ liệu từ Google cho thấy hoạt động tìm kiếm về lãi suất đạt đỉnh trong tháng 11-2022 sau đó giảm dần và một chút sôi động trở lại hồi tháng 2-2023, rồi liên tục giảm cho tới hiện tại. Ngược lại, nhu cầu tìm kiếm về chứng khoán chạm đáy trong tháng 1-2023 và cuối tháng 4-2023 rồi bắt đầu phục hồi.

Thị trường thêm dòng tiền mới

Thống kê giao dịch hàng ngày cho thấy, thanh khoản trên TTCK đã bắt đầu phục hồi từ đáy tháng 3 và đang cải thiện rõ rệt. Trung bình tháng 3 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE và HNX vào khoảng 8.776 tỷ đồng/phiên. Tháng 4 mức giao dịch trung bình đã tăng lên 11.057 tỷ đồng/phiên và tháng 5 là 12.161 tỷ đồng/phiên. Trong 5 phiên đầu tháng 6 này vọt lên 17.154 tỷ đồng/phiên.

Như đã nói ở trên, rất khó để phân biệt giao dịch hàng ngày là do “tiền mới” hay “tiền cũ”, vì NĐT cũ cũng có thể đáo hạn tiết kiệm và chuyển ngược vào tài khoản chứng khoán đang có. Dù vậy việc mở mới tài khoản chắc chắn là NĐT mới và khi họ chuyển tiền vào giao dịch, đó thực sự là dòng tiền “mới toanh”. Mặt khác, dù là NĐT cũ, tài khoản cũ, nhưng khi tiền chảy vào thì tâm thế cũng hoàn toàn mới. Sự dịch chuyển dòng vốn giữa các kênh đầu tư là hoàn toàn bình thường và đều tốt cho TTCK.

Thực sự sau giai đoạn bùng phát 2020-2021 và đạt đỉnh rồi “sụp đổ” năm 2022, thị trường đã khiến rất nhiều NĐT thua lỗ nặng nề. Những tài khoản còn trụ lại được và bắt đầu nạp thêm tiền mới là những người đã được “tốt nghiệp” giai đoạn F0. Những chu kỳ thị trường đều như vậy, khi tâm lý bi quan nhất và mọi thứ xấu nhất được phản ánh thì thị trường chạm đáy. Sẽ luôn có những lứa NĐT mới gia nhập thị trường để khởi động một chu kỳ mới.

So với giai đoạn giữa năm 2022, mức giao dịch hiện tại vẫn còn kém và càng không thể so với giai đoạn cuối 2021 đầu 2022. Tuy nhiên còn một nguồn lực rất lớn mà thị trường chưa tận dụng hết, là sức mua bằng dịch vụ hỗ trợ tài chính từ công ty chứng khoán, hay còn gọi là margin.

Trong một thị trường chưa bước vào một “bull-market” (thị trường bò) rõ ràng, NĐT vẫn ưa thích sử dụng vốn tự có. Điều quan trọng là sức mua bằng margin lại tỷ lệ thuận với lượng vốn tự có. Do đó dòng tiền mới càng mạnh thì cơ hội gia tăng thanh khoản càng cao.

Các tin khác