Vì sao chứng khoán ngược chiều nền kinh tế?

(ĐTTCO) - Nhìn vào sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 sẽ thấy sự sụt giảm của TTCK Việt Nam do yếu tố tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài. TTCK toàn cầu sụt giảm mạnh chủ yếu do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). 
Trong khi chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất nếu TTCK Mỹ tiếp tục lao dốc, đợt giảm điểm hiện tại trên các TTCK toàn cầu có thể còn tiếp tục diễn ra. 
Bên cạnh vấn đề TTCK toàn cầu, việc NĐT buộc phải bán các CP liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên TTCK Việt Nam trong những tuần qua.
Bởi lẽ số lượng NĐT nhỏ lẻ tham gia TTCK đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua hầu hết đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ, với hy vọng kiếm lợi nhuận nhanh chóng trên TTCK. Do vậy khi sự sụt giảm tại TTCK Mỹ và toàn cầu đã kích hoạt các lệnh dừng ký quỹ (margin call), và nhiều NĐT mới này đang từ bỏ các vị thế mua của họ. Chúng tôi ước tính số dư ký quỹ đang lưu hành tại các công ty môi giới đã giảm khoảng 25% so với mức cao nhất từ vài tuần trước.
Cùng việc buộc phải bán CP, điều được thúc đẩy bởi các lệnh dừng ký quỹ các NĐT cá nhân phải đối mặt, còn có thêm nhân tố liên quan đến việc bán tháo CK khác. Đó là một số doanh nghiệp niêm yết đã vay tiền với mục đích dành cho việc phát triển bất động sản và/hoặc các dự án khác, nhưng sau đó đã đi ngược với lời cam kết của họ và sử dụng tiền để tham gia TTCK. Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ đang ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn sai cách này, và đây chính là nguyên nhân nữa dẫn đến việc các NĐT buộc phải bán CP.
Có thể khẳng định, VN Index đang giảm mạnh bất chấp nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng nhiều thế mạnh cơ bản của TTCK. Những điểm mạnh đó bao gồm tỷ lệ P/E kỳ vọng đạt 11,4x, so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các CP của sàn HoSE trong năm nay, và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực.
Tuy nhiên, trên thị trường tồn tại sự phân hóa hiệu quả đầu tư khá rõ rệt giữa các ngành khác nhau, do sự khác biệt giữa các yếu tố cơ bản. Điều này tạo ra cơ hội cho các NĐT tìm được chỗ trú ẩn trong các CP phòng thủ. Theo đó, 3 lĩnh vực nổi bật là tiện ích, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin.
Giá CP của các lĩnh vực này vẫn tăng từ trước đến nay, được hỗ trợ bởi kết quả quý I tốt. Chẳng hạn, lợi nhuận và giá CP của ngành tiện ích được hỗ trợ bởi tăng trưởng sản xuất điện đã tăng gấp đôi trong năm nay. Còn nhóm CP hàng tiêu dùng không thiết yếu đang được hưởng lợi từ kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của một số công ty chủ chốt trong ngành. Trong khi đó, lợi nhuận và giá CP ngành công nghệ thông tin đang được thúc đẩy bởi doanh thu gia công phần mềm tăng mạnh. 
Ngoài 3 lĩnh vực trên, chúng tôi cũng lưu ý rằng lợi nhuận của các công ty ngành vật liệu tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I, được thúc đẩy bởi mức tăng lợi nhuận khoảng 8 lần của các công ty phân bón. Tương tự, lợi nhuận của các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 45%, tài chính tăng gần 30%.
Tóm lại, việc giảm điểm của VN Index là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu, dù áp lực bán tháo ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều NĐT nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư CP. 

Các tin khác