Vì sao doanh nghiệp ngại hỗ trợ?

(ĐTTCO) - Hiện đang tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) không mặn mà với việc đăng ký xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Bởi ngoài việc vướng thủ tục rườm rà phức tạp, các DN này còn e ngại bị “dính bẫy”, khi cơ quan thuế sẽ rà soát, truy thu và phạt ngược trở lại.
Thời hạn quá ngắn, thủ tục rườm rà
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện từ đầu tháng 4-2020. Cùng với Nghị định này là gói hỗ trợ liên tục được nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 80.000 tỷ đồng và đến nay khoảng 180.000 tỷ đồng, được xem chưa có tiền lệ. 
Theo Nghị định, các DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập DN; thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; tiền thuê đất của các DN, tổ chức, cá nhân. Bộ Tài chính tính toán, với chính sách này sẽ có khoảng 740.000 DN đang hoạt động (chiếm 98% tổng số DN) và hầu hết hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), sau hơn 2 tháng thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41, đến nay mới có khoảng 20% DN gửi giấy đề nghị gia hạn về cơ quan thuế. Cụ thể, tính đến hết ngày 11-6, cơ quan thuế mới tiếp nhận được 138.842 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó có 104.634 người nộp thuế là DN, còn lại là hộ kinh doanh, cá nhân, với tổng số tiền đề nghị gia hạn 37.226 tỷ đồng.
Vì sao doanh nghiệp ngại hỗ trợ? ảnh 1 Nhiều DN cho rằng những quy định trong Nghị định 41 khiến họ e ngại sẽ bị “dính bẫy” các cơ quan thuế khi đăng ký xin gia hạn thuế. 
Theo đại diện Tổng cục Thuế, khi triển khai Nghị định 41, cơ quan này đã tuyên truyền qua nhiều kênh, hầu hết người nộp thuế đều nắm bắt được chính sách, tự xác định nếu thuộc diện được gia hạn thì làm thủ tục. Tuy nhiên số DN nhỏ và siêu nhỏ làm hồ sơ gia hạn rất thấp, do họ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3-2020. Trong khi đó, những tháng qua, không phải tất cả DN trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế. Vì thế, đa số DN có số thuế phát sinh lớn làm thủ tục gia hạn. Ngoài ra, cũng có DN lựa chọn nộp đúng tiến độ, tránh để dồn vào cuối năm.
Song đó chưa phải là nguyên nhân chính. Điện tử là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN điện tử bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường đầu vào sản xuất (nhập khẩu linh/phụ kiện) lẫn thị trường đầu ra cho sản phẩm (xuất khẩu) phần lớn đều đóng băng, khiến sản xuất bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), nhiều DN vẫn còn băn khoăn về các quy định hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất. Theo các DN này, Nghị định 41 quy định khá chung chung, thủ tục rườm rà, nhất là thời hạn 5 tháng quá ngắn, không đủ để DN phục hồi sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu vẫn chưa mở cửa trở lại. Không riêng nhóm DN ngành điện tử, DN thuộc các nhóm ngành khác cũng có tâm lý tương tự.

Lo “dính bẫy”
Không chỉ thời hạn ngắn, nhiều DN còn cho biết những quy định trong Nghị định 41 khiến họ e ngại sẽ bị “dính bẫy” các cơ quan thuế khi đăng ký xin gia hạn thuế và tiền thuê đất. Cụ thể, nhiều DN bày tỏ lo lắng về Điều 4 Nghị định 41, khi quy định “Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn bảo đảm đúng đối tượng được gia hạn theo nghị định này”. 
Theo VEIA, một số DN lĩnh vực điện tử đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế, sau đó sẽ được giãn nộp thuế 5 tháng, không cần cơ quan có văn bản chấp thuận. Một số DN khác bày tỏ lo ngại về việc cơ quan thuế không có thông báo chấp thuận việc gia hạn cho người nộp thuế. Từ đó có thể xảy ra trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN không thuộc đối tượng được gia hạn. Khi đó, DN buộc phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp. 
Tương tự, trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai, cho rằng với quy định như Điều 4 của Nghị định 41, khi DN nộp giấy đề nghị và cơ quan thuế không xác nhận, họ không biết phải như thế nào. Nếu DN kê khai chưa chính xác, sau này khi thanh tra thuế hoặc kiểm toán, DN sẽ bị phạt, vô hình chung đây là “cái bẫy” đối với các DN.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các chính sách hỗ trợ DN cần phải có sự phân loại và tập trung hơn. Việc khoanh, ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với cả nhóm DN bị buộc phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó, các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT, nên được thực hiện với các DN chịu ảnh hưởng tiêu cực còn hoạt động, nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ, tránh cào bằng, dàn  trải như hiện nay.  
 Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, đề xuất miễn, giảm các loại phí, lệ phí, trong đó tập trung xem xét việc điều chỉnh thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiền thuê đất, bổ sung sắc thuế, đối tượng thụ hưởng chính sách...  sao cho phù hợp với tình hình thực tế. 
TS. Võ Trí Thành,  nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Các tin khác