Đó là do quy định đấu thầu các dự án sử dụng vốn ODA không có giá trần, thiếu cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án ODA sử dụng vốn vay theo điều kiện đặc biệt (STEP) của Nhật Bản.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được phê duyệt đầu tư từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD (trong đó vốn vay ODA Nhật Bản 691 triệu USD), do Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc (nay là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - ACV) đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay ODA theo STEP của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Theo kết luận thanh tra số 2569, tại gói thầu 10A và gói thầu 10B - 2 gói thầu chính, sử dụng vốn vay ODA - được chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu nhưng không tổ chức đấu thầu lại, hoặc làm rõ nguyên nhân chênh lệch, dẫn tới cả 2 gói thầu tổ chức đấu thầu không cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực, giá gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu 2 gói thầu cao hơn giá gói thầu 5,7 tỷ yen, tương đương 1.450 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc các bộ, ngành liên quan và ACV.
Phải nói thêm rằng, dự án xây dựng nhà ga T2 Nội Bài sử dụng vốn vay ODA có ràng buộc, nên việc trúng thầu cả 2 gói thầu chính đều là các nhà thầu đến từ Nhật Bản. Trong đó, gói thầu 10A xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà ga T2, gói thầu 10B giám sát thi công xây dựng công trình, đều áp dụng hình thức đấu thầu giữa các nhà thầu Nhật Bản.
Bộ GTVT cho biết việc tổ chức đấu thầu các gói thầu 10A và 10B đều phải tuân thủ nội dung hiệp định vay vốn ODA ký kết giữa Chính phủ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), pháp luật đấu thầu của Việt Nam chỉ quy định thủ tục, trình tự thẩm định và phê duyệt.
Quang cảnh nhà ga T2 Nội Bài.
Vì vậy, khi ACV tổ chức đấu thầu gói thầu 10A xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà ga T2, có 4 nhà thầu bày tỏ quan tâm là Taisei Corporation, Sotzit Corporation, Hitachi Plan Technologies Corporation, Tada Corporation, nhưng cuối cùng chỉ có 1 liên danh nhà thầu Taisei - Vinaconex nộp hồ sơ dự thầu, nghiễm nhiên trúng thầu. Giá đề nghị trúng thầu của liên danh này vượt giá gói thầu 7,4 tỷ yên, vượt 19,49%.
Trước tình trạng giá trúng thầu vượt xa giá gói thầu được phê duyệt, ACV đã xin ý kiến cơ quan tài trợ JICA, được cho phép tiến hành mở thầu và xét thầu. Theo ACV, quy định của JICA về việc thương thảo lại giá với nhà thầu chỉ thực hiện khi điều chỉnh phạm vi, quy mô gói thầu, trường hợp giá trúng thầu vượt giá gói thầu một giá trị lớn có thể xem xét hủy thầu. Nhưng trong trường hợp dự án nhà ga T2 Nội Bài, JICA đã không chấp nhận tổ chức đấu thầu lại vì bên vay vốn muốn hạ giá trúng thầu.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc đầu tư nhà ga T2 Nội Bài tăng thêm cả ngàn tỷ đồng là do đơn giá dự thầu của nhà thầu Taisei Corporation được chào theo mẫu của hồ sơ mời thầu và theo quy định của JICA; đơn giá dự thầu là đơn giá tổng hợp, không có đơn giá chi tiết. Do có sự khác biệt lớn giữa cách thức lập dự toán theo quy định Việt Nam và cách tính chi phí của nhà thầu trong việc thực hiện dự án ODA, nên dù ACV đã rà soát kỹ giá dự thầu của Taisei Corporation nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham chiếu cùng mặt bằng.
ACV cũng thừa nhận gói thầu 10A có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, yêu cầu tính đồng bộ cao nên việc điều chỉnh quy mô, phạm vi gói thầu này để có thể tiến hành thương thảo lại giá trúng thầu theo quy định của JICA là không thể thực hiện.
Tương tự với gói thầu 10B giám sát thi công công trình nhà ga T2 Nội Bài, theo điều kiện vay vốn STEP chỉ tổ chức đấu thầu giữa các nhà thầu Nhật Bản, cũng chỉ có duy nhất Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản (Japan Airports Consultants) quan tâm, nộp hồ sơ dự thầu, trúng thầu với giá trúng thầu hơn 46 triệu yen, vượt giá gói thầu 2,8%.
Từ thực tế trên, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không xử lý về kinh tế và trách nhiệm của các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT, ACV liên quan đến việc đấu thầu 2 gói thầu 10A, 10B dự án nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.