Vì sao khan hiếm thông tin quỹ?

(ĐTTCO) - Một điều khá nghịch lý là NĐT có thể tìm kiếm được rất nhiều thông tin từ EPS, P/E, P/B… liên quan đến hàng ngàn CP trên sàn, nhưng lại không dễ để thu thập thông tin của hơn 30 quỹ đầu tư nội địa. 
Một thí dụ đơn giản, khi tìm kiếm về thông tin tài chính của một mã chứng khoán hiện nay có rất nhiều công cụ, từ trang tin điện tử đến website, ứng dụng (app) của CTCK có thể cung cấp, đồng thời còn liên kết, thống kê cả các đơn vị cùng ngành để tiện so sánh. Còn với các quỹ đầu tư, việc thống kê giá trị tài sản ròng (NAV) hay tăng trưởng NAV trên từng mốc thời gian sẽ rất mất thời gian vì phải tìm kiếm, cóp nhặt chi tiết của từng quỹ và dữ liệu bị phân mảng khá lớn.
Hiện nay, nếu đặt câu hỏi những CP nào đáng để đầu tư, không khó để chỉ ra được những mặt hàng chất lượng và được đông đảo công chúng chấp nhận, chẳng hạn như nhiều CP trong nhóm VN30. Nhưng nếu hỏi những quỹ nào tốt nhất để bỏ tiền vào sẽ không dễ để tìm ra câu trả lời. Không phải vì không có quỹ nào xứng đáng, trái lại còn có rất nhiều quỹ ấn tượng, nhưng có một thực tế khá lạ lùng là dường như các quỹ lại không thích thể hiện nhiều (show off) về hiệu quả hoạt động của mình, mà chỉ dừng ở mức độ “2 đủ”: đủ đáp ứng quy định của cơ quan quản lý và đủ để làm vừa lòng những NĐT hiện hữu của họ. 
Đem câu hỏi vì sao lại có sự khiêm tốn có phần thái quá này dành cho CEO của một công ty quản lý quỹ lớn, câu trả lời rất đơn giản là “có lẽ họ không thích!”. Và dường như có quá nhiều người không thích nên vị CEO này cho biết mình rất sẵn lòng chia sẻ các thông tin chi tiết và phù hợp về hoạt động của quỹ nhưng cũng không thể làm khác xu hướng chung, nghĩa là khi người ta yên ắng thì mình cũng không thể ồn ào.   
Đi sâu vào sự “không thích” nói trên sẽ thấy một thực trạng liên quan đến các quỹ đầu tư đại chúng hiện nay, đó là đều ở trạng thái “đủ khách” và chưa có những tham vọng thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Điển hình như trường hơp của Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF), một trong những quỹ mở trái phiếu hoạt động vào loại hiệu quả nhất trong 5 năm qua với mức độ tăng trưởng lên đến 60%. Sinh lời “khủng” là vậy, nhưng chỉ khi BVBF công bố thị trường mới chú ý, còn lại chỉ những ai bỏ tiền vào quỹ này mới nắm rõ được hoạt động. 
Ở một góc độ khác dường như sự chưa mặn mà của các nhà phân phối, cụ thể ở đây là các CTCK hay các NHTM trong việc chào bán các chứng chỉ quỹ nội địa cũng dẫn đến việc không có thông tin để khách hàng tham khảo. Cứ thử nhìn ở lĩnh vực phân phối thiết bị công nghệ sẽ thấy rõ, khi có nhiều hệ thống kiểu như Thế giới di động, FPTShop, Tiki… tham gia sẽ xuất hiện những chuyên mục review (đánh giá) sản phẩm, so sánh chi tiết… Nếu có nhiều CTCK hay NHTM đẩy mạnh việc chào bán chứng chỉ quỹ như đẩy mạnh mảng bancassurance, sẽ không lo thiếu các bảng so sánh NAV, tăng trưởng NAV chi tiết của từng quỹ theo tháng, theo quý hay theo năm. Câu hỏi đặt ra ở đây là khi nào tình trạng khan hiếm thông tin quỹ chấm dứt sẽ được sớm trả lời bởi tính đến thời điểm hiện nay, ngành quỹ đầu tư đã có sự thanh lọc, phân hóa rõ ràng để lộ diện những đơn vị hoạt động hiệu quả. 
Sau một thời gian nỗ lực, để xây dựng được quy trình, mô hình, cũng như củng cố uy tín, tức là đầu tư chiều sâu, có lẽ sẽ sớm đến lúc các quỹ nội tính đến chuyện tăng cường cả chiều rộng, gia tăng quy mô tài sản của mình để cạnh tranh sòng phẳng với các quỹ ngoại. Cũng phải nói thêm rằng, khi thị trường ghi nhận một lượng lớn các NĐT mới (F0) tham gia thị trường chắc chắn nhu cầu về quản lý tài sản cũng sẽ gia tăng, và đây chính là lúc các quỹ đầu tư tận dụng để huy động vốn.

Các tin khác