Vì sao ngân hàng tăng phí dịch vụ tin nhắn SMS?

(ĐTTCO)-Ngoài việc giảm bù lỗ, việc tăng phí dịch vụ SMS nhưng miễn phí dịch vụ tương tự trên app banking của các ngân hàng là để khuyến khích khách hàng giao dịch trên kênh điện tử.
Các ngân hàng đang muốn giảm phụ thuộc vào dịch vụ SMS do các nhà mạng cung cấp. Ảnh: Quang Thắng.
Các ngân hàng đang muốn giảm phụ thuộc vào dịch vụ SMS do các nhà mạng cung cấp. Ảnh: Quang Thắng.
Phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS của Vietcombank và một số ngân hàng đang nhận nhiều phản ánh từ khách hàng khi nhà băng này điều chỉnh tăng mạnh biểu phí từ đầu năm 2022.
Thực tế, Vietcombank và một số ngân hàng đã phát đi thông báo điều chỉnh phí dịch vụ tin nhắn biến động số dư qua SMS từ cuối năm 2021, nhưng đến kỳ thanh toán tháng 1/2022 vừa qua, nhiều khách hàng khi bị trừ nhiều tiền hơn so với trước đó mới biết tới dịch vụ này.
Giảm bù lỗ dịch vụ SMS
Chia sẻ về vấn đề này, Vietcombank cho biết chính sách thu phí dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS nằm trong biểu phí dịch vụ tài khoản dành cho các khách hàng cá nhân đã được thay đổi từ 1/1/2022.
Trước đó, ngân hàng đã thông tin về những thay đổi này trên các kênh app banking, website và email tới tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán mở tại Vietcombank.
Đồng thời, Vietcombank cũng cho biết căn cứ vào lịch sử giao dịch 3 tháng gần nhất (tháng 10-12/2021), ngân hàng đã gửi tin nhắn trực tiếp tới từng khách hàng có số lượng SMS nhận hàng tháng ở mức cao, thuộc trường hợp thay đổi cước phí để thông báo.
Nhà băng này cho biết việc thay đổi biểu phí là để phù hợp với nhu cầu giao dịch cho mỗi khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ SMS chủ động có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (OTT Alert) trên app banking. Trong đó, dịch vụ OTT Alert được ngân hàng cung cấp miễn phí mà vẫn hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết có 2 lý do khiến ngân hàng thay đổi cách tính phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS.
Thứ nhất, việc tăng phí có thể giúp ngân hàng giảm bù lỗ từ dịch vụ này. Từ trước đến nay, các ngân hàng vẫn thường xuyên bù lỗ với dịch vụ thông báo qua SMS khi phải trả cước phí khá cao cho các nhà mạng để thực hiện SMS brandname tới khách hàng.
Vị này cho biết với mỗi giao dịch, ngân hàng đều phải gửi ít nhất 2 SMS brandname để thông báo, cước phí này do ngân hàng thanh toán trực tiếp với nhà mạng theo biểu phí tin nhắn dịch vụ tài chính với giá cước cao gấp 3-4 lần SMS thông thường. Trong khi đó, mức phí ngân hàng thu phổ biến với dịch vụ này chỉ vào khoảng 8.000-9.000 đồng/tháng.
Yếu tố thứ 2 khiến các ngân hàng thay đổi chính sách với dịch vụ SMS là không muốn phụ thuộc vào bên thứ 3 - nhà mạng viễn thông - và hướng khách hàng vào việc sử dụng dịch vụ ngân hàng cung cấp trực tiếp qua app banking.
Theo đó, những nhà băng có phí dịch vụ SMS cao nhất hiện nay đều là nhóm miễn phí dịch vụ tương tự trên kênh ngân hàng điện tử.
Theo vị lãnh đạo nhà băng này, trước đây, khi các app banking chưa phát triển, ngân hàng phải phụ thuộc vào các nhà mạng để gửi thông báo, quảng cáo tới khách hàng. Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu tư mạnh, app banking ghi nhận số lượng khách hàng sử dụng đủ lớn, các ngân hàng đều muốn chuyển hướng khách hàng vào việc sử dụng tối đa tiện ích trên app.
“Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế là giảm phụ thuộc vào bên thứ 3. So với việc nhận tin nhắn qua SMS có nhiều rủi ro giả mạo, việc nhận thông báo trực tiếp qua app sẽ giúp khách hàng và ngân hàng theo dõi tốt hơn thông tin giao dịch, mà lại giảm tải được chi phí liên quan”, vị này nói.
"Nhà mạng thu cước SMS quá cao"
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết trước đây ngân hàng thường thông qua SMS để thông báo biến động số dư cho khách hàng, tuy nhiên, qua rà soát, các ngân hàng đều thấy rằng chi phí để duy trì dịch vụ này quá cao.
Trong đó, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường. Nếu ngân hàng thu phí dịch vụ SMS cao tương ứng sẽ nhận phản ứng tiêu cực, nhưng nếu miễn phí dịch vụ này, các nhà băng cũng không thể gánh được cước phí nhà mạng thu quá cao. 
“Vì vậy, các ngân hàng đã rà soát và xem xét lại để hạn chế sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS, chuyển sang thông báo số dư qua app. Đây cũng là một giải pháp để giảm được chi phí cho cả ngân hàng và khách hàng”, ông Hùng chia sẻ.
Theo vị lãnh đạo VNBA, một trong những lý do các nhà băng muốn chuyển hướng người dùng sang việc dùng thông báo trên app thay vì SMS là do tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu brandname ngân hàng bùng phát mạnh gần đây.
Trong đó, các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của ngân hàng mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Các ngân hàng cho rằng đang phải trả mức phí rất cao cho nhà mạng nhưng đơn vị viễn thông này lại không xử lý được triệt để vấn đề SMS giả mạo này.
Về phía nhà mạng viễn thông, các đơn vị này cho biết tin nhắn brandname ngân hàng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng cao hơn so với tin nhắn thông thường.
Trong đó, tin nhắn của các ngân hàng đều yêu cầu thỏa thuận mức độ dịch vụ (SLA) ở mức cao nhất, do đó nhà mạng phải triển khai trên một hệ thống riêng biệt để luôn đảm bảo dự phòng tránh sự cố gây gián đoạn dịch vụ, cũng như có tốc độ xử lý nhanh giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm.

Các tin khác