Người dân giảm gửi tiền vào NH
Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III tăng 7%. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Tiếp đến vốn chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) cũng tăng đáng ngạc nhiên. Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK 9 tháng ước tính đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tính đến ngày 20-9, huy động vốn của các TCTD tăng 4,28% (cùng thời điểm 2020 tăng 7,48%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm 2020 tăng 4,99%).
Tiền gửi tăng chậm một phần nguyên nhân do đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tất cả thành phần kinh tế, người lao động bị giảm lương, lao động tự do giảm mạnh thu nhập. Vì vậy, nhiều cá nhân phải rút tiền tiết kiệm để chi tiêu thay vì gửi thêm vào. Nguyên nhân nữa là lãi suất huy động thấp, dẫn đến dịch chuyển dòng tiền từ kênh huy động qua kênh khác.
Báo cáo tài chính quý III của một số NH cho thấy đến ngày 30-9, tiền gửi khách hàng tại Vietbank chỉ tăng 3,9% đạt 67.049 tỷ đồng; tại LienVietPostBank tăng 2% so với đầu năm, ở mức 178.842 tỷ đồng. Đáng chú ý tiền gửi khách hàng tại SeABank giảm 3% so với đầu năm với mức 110.440 tỷ đồng.
Trong tiền gửi của khách hàng tại các TCTD phân ra 2 khu vực: huy động dân cư và tổ chức kinh tế. Số liệu gần nhất của NHNN công bố về dữ liệu này cho biết, tính đến cuối tháng 8 quy mô tiền gửi của khu vực tổ chức kinh tế đạt hơn 5,14 triệu tỷ đồng, tăng 5,46% so với đầu năm.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,29 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. So với cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ đồng.
Nhìn chung kể từ năm 2013 đến nay, tiền gửi dân cư càng ngày càng tăng chậm. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi dân cư đạt 15,4%; 8 tháng năm 2017 tăng 12%, cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,4% và năm 2020 tăng 5,46%.
Năm nay, mức tăng trưởng tiền gửi dân cư 8 tháng chỉ tăng 2,95% so với cuối năm 2020, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Ngược chiều với dân cư, quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh từ giữa năm 2020 đến nay, trong khi các năm trước đều tăng trưởng âm các tháng đầu năm. Tuy nhiên, đà tăng này chưa đủ mạnh để kéo được tăng trưởng huy động vốn của hệ thống NH theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.
NH sẽ hút vốn trở lại?
Tiền gửi dân cư tăng chậm do dòng tiền được rút ra để chi tiêu và đầu tư vào kênh khác sinh lợi nhiều hơn. Trong đó, TTCK được đánh giá là kênh cạnh tranh hút vốn mạnh với kênh tiền gửi.
Bởi 9 tháng đầu năm 2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK chỉ đạt 228.800 tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ 2019, nhưng 9 tháng năm nay tăng đến 14%. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng được xem là kênh cạnh tranh đáng kể với kênh tiền gửi.
Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2021, số thu thuế từ chuyển nhượng BĐS tăng 8.600 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS tăng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng 1.100 tỷ đồng. Dữ liệu này cho thấy, hoạt động mua bán BĐS vẫn sôi động trong dịch Covid-19.
Gần đây, lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận, nếu huy động với lãi suất quá thấp người dân sẽ không gửi tiền NH, chuyển sang chứng khoán, BĐS, vàng, có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các NH vẫn chưa căng thẳng trước hiện tượng này. Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, thanh khoản của NH vẫn ở trạng thái dồi dào, đảm bảo đủ vốn cho mùa kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp.
Năm nay, NHNN vẫn không phải thực hiện nghiệp vụ bơm/hút ròng trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0, lãi suất liên NH kỳ hạn ngắn vẫn duy trì dưới 1%/năm.
Các NH tự tin về vốn bởi năm nay họ đã chuyển hướng từ huy động vốn từ dân cư sang huy động trái phiếu để tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn. Song cũng nhìn nhận, huy động vốn từ trái phiếu không phải là hoạt động chung của tất cả NH, vẫn có nhiều NH không sử dụng được kênh này.
Vì thế, lãi suất như thế nào để dòng tiền không dịch chuyển khỏi hệ thống vẫn là bài toán đối với ngành NH.
Trong tháng 9, dù các NH lớn duy trì hoặc giảm nhẹ lãi suất, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các NHTMCP quy mô nhỏ lại được điều chỉnh tăng nhẹ. Hay mới đây nhất, Sacombank gây bất ngờ khi công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 19-10, trong đó điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức tăng 0,4-0,6%/năm.
Hiện tại, ngành NH đứng trước yêu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến huy động quá chậm đã ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN. Cụ thể, NHNN cho rằng mặt bằng lãi suất huy động của các NH đã xuống rất thấp, không thể gắn việc giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm.
Nguyên nhân, với mức lãi suất hiện tại đã giảm về 5-5,5%/năm, lạm phát duy trì ở mức 3% mới có lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Hiện lạm phát 9 tháng chỉ 1,82%, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát cả năm nay khoảng 3% và mục tiêu của Quốc hội dưới 4%.
NHNN lo nếu giảm thêm lãi suất đầu vào, tiền sẽ chạy khỏi NH, đổ vào những lĩnh vực khác, gây khó khăn cho thanh khoản NH về lâu dài cũng như có thể gây bất ổn về vĩ mô.