Điều ngạc nhiên là TPHCM luôn là nơi đi trước trong hầu hết lĩnh vực, sau đó được tổng kết nhân rộng ra cả nước. Thế nhưng, vấn đề nhà dưỡng lão chất lượng cao lại đang đi sau nhiều địa phương, đặc biệt so với Hà Nội.
Những năm gần đây, mức sống của người Hà Nội đã tăng cao, xuất hiện tầng lớp khá giả và con cái giàu có, nên rất nhiều người có nhu cầu ở các trung tâm dưỡng lão chất lượng cao. Các trung tâm dưỡng lão được tổ chức chuyên nghiệp ra đời ở Hà Nội năm 2010, cho đến nay Hà Nội có khoảng 15 trung tâm được xếp vào nhóm chất lượng cao.
Các trung tâm này của tư nhân, hoạt động theo cơ chế thị trường, thu phí của người vào ở. Hầu hết trung tâm có trình độ ngang bằng với khu vực Đông Nam Á về trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và chế độ chăm sóc. Nhiều trung tâm liên kết với nước ngoài đạt đến trình độ châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Các trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội và một số địa phương khác đang được coi ăn nên làm ra, được dư luận xã hội đánh giá cao, và bản thân những người cao tuổi sinh sống ở đó thấy hài lòng qua các cuộc thăm dò của Viện Xã hội học.
Cụ thể như Viện dưỡng lão ALH, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (có 3 cơ sở), Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái. Trong đó, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức có đến 5 cơ sở, 3 ở Hà Nội, 2 ở Đà Nẵng và Đồng Nai.
Hiện TPHCM có khoảng 12 trung tâm dưỡng lão, nhưng chủ yếu là hoạt động nhân đạo, như Trung tâm nuôi dưỡng người già Thị Nghè, Viện dưỡng lão nghệ sĩ nghèo, Trung tâm dưỡng lão Cần Giờ.
TP cũng có một nơi nhận nuôi dưỡng người già thu phí là ở Bình Mỹ, Củ Chi nhưng ở cấp độ trung bình về trang thiết bị, đội ngũ và điều kiện chăm sóc. Cả khu vực Đông Nam bộ có duy nhất 1 trung tâm dưỡng lão chất lượng cao. Đó là Viện dưỡng lão Thiên Đức, cơ sở 5 ở ấp Sông Mây, Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai có diện tích 5ha với 300 giường.
Tại sao TPHCM không có nổi nhà dưỡng lão chất lượng cao? Phải chăng người dân TPHCM không có nhu cầu? Chắc chắn là có, thậm chí cao hơn Hà Nội vì dân số TP đông hơn (12 triệu so với 6,3 triệu người) nên người già nhiều gần gấp đôi.
Phải chăng người dân TPHCM không có đủ năng lực tài chính để vào trung tâm dưỡng lão? Không phải, vì mức sống của người cao tuổi TPHCM không kém Hà Nội, chưa kể người dân TP có quan niệm thoáng hơn người Hà Nội trong việc vào nhà dưỡng lão.
Những người khởi xướng trung tâm dưỡng lão Hà Nội cho biết, thời gian đầu không được chào đón ngay bởi nhiều người cho rằng việc đưa cha mẹ ra khỏi nhà vào sống ở nơi tập trung bị coi là “bất hiếu”. Phải mất thời gian khá dài mô hình này mới thuyết phục được người dân.
Câu hỏi cuối cùng, phải chăng trung tâm dưỡng lão là loại kinh doanh không có lời? Thực tế, đây là thị trường kinh doanh rất tốt. Ở Trung Quốc hiện nay, kinh doanh dịch vụ cho người già được coi là thị trường rất béo bở và hiệu suất rất cao.
Vấn đề ở chỗ, TPHCM không còn đất dành cho trung tâm dưỡng lão. Như đã biết các trung tâm dưỡng lão không phải chỉ là mấy cái nhà, mấy chục cái giường và dăm người nấu ăn, mà là tổ hợp có đầy đủ phân khu chức năng và hạng mục đảm bảo được đời sống của người già, bao gồm khu văn phòng, khu ở, khu ăn, khu vui chơi giải trí, phòng thể thao, khu phục hồi chức năng, khu y tế, khu vật lý trị liệu, công viên, vườn dạo, hồ bơi, nhà khách lưu trú khi đến thăm và cả nhà tang lễ.
Một trung tâm dưỡng lão cần tối thiểu 5ha cho 300-500 giường, thậm chí vài chục ha nếu cho hàng ngàn người. Ngoài ra, trung tâm này phải không xa quá. Kinh nghiệm cho thấy các trung tâm dưỡng lão xa quá, con cái khó bề thăm nom thường xuyên, và khó nhận được sự tiếp ứng của các bệnh viện chuyên ngành ở trung tâm TP khi cần can thiệp.
Thế nhưng, loại đất dành cho trung tâm dưỡng lão không nằm trong quy hoạch của TPHCM. Không ai tìm thấy nó trong bất cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nào, nghị quyết nào của TP. Thực tế đã có vài nhà đầu tư đến TPHCM tìm kiếm cơ hội (như Thiên Đức) nhưng đành thúc thủ vì không có đất, không tìm kiếm được sự đồng thuận (không có các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư loại hình này như vay vốn, thuế, phí và đất).
Ngoài ra, TPHCM dường như chưa chuẩn bị cho việc đón nhận một xã hội già đang đến rất gần vào năm 2030. Chưa có trường đại học hay cao đẳng nào ở TP có khoa Lão Khoa đào tạo chuyên về người cao tuổi. Chưa có trường cao đẳng hay dạy nghề nào đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên, y tá chuyên phục vụ người già, và thiếu vắng các nhà tâm lý người cao tuổi.
Đặc biệt, các nhà đầu tư ở TPHCM cho rằng thị trường trung tâm dưỡng lão không mang lại lợi nhuận cao bằng xây nhà bán. Họ lập luận trung tâm dưỡng lão không đơn giản chỉ xây vài khối nhà, vài trăm giường, mà phải tạo ra một xã hội đặc biệt thu nhỏ với đội ngũ rất đông nhà quản lý, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, đầu bếp... Họ làm việc không phải vài năm mà hàng chục năm ở nơi toàn người trái tính trái nết, đau ốm liên miên.
Vậy họ có biết rằng nhiều nhà đầu tư bất động sản nhận thấy đầu tư xây dựng và khai thác nhà dưỡng lão là phân khúc thị trường đầy tiềm năng, nên đang rất quan tâm. Cụ thể, một số nơi gần biển như Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết hay núi cao như Đà Lạt, Bảo Lộc, được các nhà đầu tư xí chỗ chuẩn bị cho ra đời các trung tâm dưỡng lão. Họ nói đầu tư vào đây là “đầu tư cho chính mình” vì ai rồi cũng già, cũng như phong trào các nhà bất động sản đầu tư xây dựng “thành phố vĩnh hằng” diễn ra từ năm 2000.
Liệu trung tâm dưỡng lão chất lượng cao có xuất hiện ở Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hay không? Câu hỏi này dường như đã được trả lời rõ ràng, vì đất đã dành cho nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, khu dịch vụ logistics hết rồi.