Báo cáo cũng cho biết, Indonesia cũng vượt qua Trung Quốc về tỉ lệ sản xuất giày Nike với con số là 35%.
Thực tế, Nike không phải là đại diện duy nhất dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngay cả đối thủ lớn nhất của họ là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất tại Việt Nam.
Trao đổi với Lao Động, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, sở dĩ Việt Nam trở thành nơi sản xuất giày Nike lớn nhất thế giới là bởi Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào. "Tiềm năng từ nguồn lao động dồi dào chính là yếu tố thu hút Nike lựa chọn Việt Nam", bà Xuân khẳng định.
Bên cạnh đó, theo bà Xuân, chất lượng gia công các sản phẩm giày dép của Việt Nam khá tốt, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ phía đối tác.
"Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong ngành giày dép đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa một số công đoạn sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm", bà Xuân cho hay.
Thực tế, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất của Nike. Có thời điểm các nhà cung cấp giày lớn cho Nike tại Việt Nam phải tạm đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 gây gián đoạn. Các nhà máy ở Việt Nam sau đó đã mở cửa trở lại vào trung tuần tháng 9/2021.
Với chiến lược sống an toàn với dịch bệnh và độ phủ vaccine cao tại Việt Nam, ban lãnh đạo Nike vẫn đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung không còn bị đứt đoạn. Hiện tại các nhà máy Nike tại Việt Nam đã quay lại hoạt động bình thường và thực hiện các đơn hàng trong năm 2022.