
Những cái “nhất” của các tỉnh, thành
TPHCM sau sáp nhập trở thành siêu đô thị bậc nhất. Với thế kiềng ba chân vững chãi của TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), TPHCM mới đang hướng đến xây dựng siêu đô thị tầm cỡ châu Á, sánh ngang với Singapore, Thượng Hải, Bangkok.
Phố núi Lâm Đồng sau khi sáp nhập với Bình Thuận và Đắk Nông, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 24.000km². Hưng Yên sau khi sáp nhập với Thái Bình, trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại có mật độ dân số nằm trong top cao nhất.
Phú Thọ là tỉnh tiếp giáp với nhiều địa phương nhất cả nước với 7 tỉnh. Khánh Hòa - vùng đất của nắng và gió, sau khi sáp nhập với Ninh Thuận trở thành tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam.
Sau khi sáp nhập, cả nước vẫn giữ nguyên 6 TP trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Trong đó, TP Đà Nẵng mới (sáp nhập Quảng Nam và TP Đà Nẵng) có diện tích lớn nhất, hơn 11.859km².
TPHCM mới đứng thứ 2 với diện tích hơn 6.772km² (trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích hơn 1.982km², Bình Dương có diện tích hơn 2.694km², và TPHCM cũ có diện tích hơn 2.095km²). TPHCM mới cũng trở thành TP đông dân nhất cả nước với hơn 14 triệu người sau khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
TP có diện tích nhỏ nhất là TP Hải Phòng hơn 3.194km² (sáp nhập Hải Dương với diện tích 1.668km² và TP Hải Phòng cũ là hơn 1.526km²). TP có ít dân số nhất là TP Huế với hơn 1,4 triệu người.
Quy mô kinh tế
Trước khi sáp nhập, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách, khi năm 2024 thu ngân sách đạt trên 511.000 tỷ đồng, GRDP đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. TPHCM đứng thứ 2 với hơn 501.000 tỷ đồng, nhưng GRDP đứng đầu cả nước với hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, sau sáp nhập TPHCM mới sẽ đứng đầu trong 6 TP trực thuộc Trung ương và đứng đầu cả nước.
Theo số liệu năm 2024, tổng thu ngân sách của TPHCM sau khi sáp nhập đứng đầu với hơn 681.000 tỷ đồng, GRDP đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng (trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024 thu ngân sách đạt trên 98.000 tỷ đồng, và Bình Dương trên 76.000 tỷ đồng). Như vậy Hà Nội theo số liệu năm 2024 chỉ đứng thứ 2 với trên 511.000 tỷ đồng, và TP Hải Phòng đứng thứ 3 với hơn 148.000 tỷ đồng.
Trước khi sáp nhập (theo số liệu năm 2024), Bình Dương là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, với 107,6 triệu đồng/năm. Đứng ở vị trí thứ 2 là người dân Hà Nội với 89 triệu đồng/năm, và vị trí thứ 3 là Đồng Nai với 84,5 triệu đồng/năm, thứ 4 là Hải Phòng với 84,4 triệu đồng/năm, còn TPHCM đứng thứ 5 có mức 81,5 triệu đồng/năm.
Nhưng sau sáp nhập, thứ hạng này đã thay đổi: Hà Nội xếp số 1 với 89 triệu đồng/năm, TPHCM đứng thứ 2 (với trung bình của 3 địa phương) là 86,5 triệu đồng/năm, và Hải Phòng đứng thứ 3 với trung bình khoảng 78,6 triệu đồng/năm.
Những cái tên làm nên thương hiệu cho TPHCM
Sau hàng chục năm không còn trên bản đồ Việt Nam, nay các tên gọi như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã chính thức được trở lại trên bản đồ hành chính Việt Nam, với vai trò là các phường của TPHCM mới. TPHCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
Trung tâm quận 1 nhộn nhịp trước đây giờ được gọi là phường, nhưng là phường Sài Gòn được thành lập trên cơ sở của toàn bộ phường Bến Nghé, một phần phường Đa Kao và phường Nguyễn Thái Bình.
Còn phường Chợ Lớn được thành lập từ việc sắp xếp toàn bộ 4 phường 11, 12, 13 và 14 của quận 5 trước đây. Phường Gia Định được thành lập từ toàn bộ phường 1, 2, 7 và 17 của quận Bình Thạnh trước đây. Cùng với nhiều xã, phường khác với tên gọi quen thuộc như phường Tân Định, phường Thủ Đức, xã Hóc Môn, xã Củ Chi, xã Nhà Bè, xã Cần Giờ, xã Bình Chánh.
TPHCM mới cũng có những phường đặc trưng, giữ lại các tên gọi của tỉnh cũ để trở thành thương hiệu. Như phường Vũng Tàu được thành lập từ toàn bộ 7 phường: 1, 2, 3, 4, 5, Thắng Nhì và Thắng Tam của TP Vũng Tàu trước đây. Phường Bình Dương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường: Phú Hòa, Phú Tân, Phú Mỹ của TP Thủ Dầu Một, và phường Phú Chánh của TP Tân Uyên trước đây.
Top 10 về diện tích và dân số
Lâm Đồng sau khi sáp nhập với Bình Thuận và Đắk Nông, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 24.000km². Xếp thứ 2 là tỉnh Gia Lai hợp nhất cùng Bình Định có 21.576 km². Thứ 3 là tỉnh Đắk Lắk khi hợp nhất với Phú Yên có 18.096 km². Thứ 4 là tỉnh Quảng Ngãi, hợp nhất với Kon Tum với 14.832km².
Tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 5 khi sáp nhập với Hà Giang có 13.795km². Thứ 6 là Lào Cai, sau khi hợp nhất với Yên Bái có 13.256km². Đồng Nai thứ 7 sau khi sáp nhập với Bình Phước có 12.737km². Quảng Trị sau khi sáp nhập với Quảng Bình, xếp thứ 8 có 12.700km². Thứ 9 là TP Đà Nẵng, hợp nhất tỉnh Quảng Nam có 11.860km². Thứ 10 là tỉnh An Giang, sau hợp nhất Kiên Giang có 9.889km².
Sau khi sắp xếp hành chính, TPHCM là địa phương đông dân nhất với gần 14 triệu dân, vượt xa Hà Nội đứng thứ 2 với khoảng 8,69 triệu dân. Thứ 3 là Đồng Nai, tổng cộng khoảng 4,4 triệu dân. Hải Phòng đứng thứ 4 với hơn 4,09 triệu dân. Thứ 5 thuộc về Ninh Bình, tổng cộng gần 3,81 triệu dân. Thứ 6 là Thanh Hóa với 3,76 triệu dân. Thứ 7 là An Giang có xấp xỉ 3,67 triệu dân. Thứ 8 là Phú Thọ với khoảng 3,65 triệu dân. Thứ 9 là Bắc Ninh với 3,49 triệu dân. Thứ 10 thuộc về Nghệ An với 3,47 triệu dân.
Vị thế của TPHCM và tỉnh Đồng Nai
TPHCM được xem là TP duy nhất của Việt Nam có nền kinh tế lớn hơn cả 5 nước Đông Nam Á cộng lại. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM sẽ trở thành siêu thành phố có tổng quy mô kinh tế lên tới 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 108 tỷ USD. Con số này tương đương 1/4 GDP cả nước, và vượt xa rất nhiều quốc gia trong khu vực.
Hiện nay GDP của Lào khoảng 15 tỷ USD, Campuchia khoảng 51 tỷ USD, Brunei - quốc gia giàu tài nguyên cũng chỉ 10,1 tỷ USD, còn Myanmar với diện tích gần gấp đôi Việt Nam có GDP khoảng 65 tỷ USD, Đông Timor chỉ còn vẹn 2 tỷ USD. Cộng tất cả lại cũng chưa tới 80 tỷ USD.
Điều đó cho thấy, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung vươn mình đầy kiêu hãnh, không chỉ sánh vai mà đang vượt mặt những quốc gia từng được xem là giàu có hơn.
Đồng Nai cũng được xem là một siêu tỉnh của Việt Nam. Sau sáp nhập với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới sở hữu những cái nhất khiến cả nước phải ngoái nhìn. Một là sân bay Long Thành với diện tích 5.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á.
Hai là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Đông Nam Bộ với 12.737,18km², vượt 255% tiêu chuẩn theo quy định, to hơn cả Singapore. Ba là tỉnh có dân số đông nhất cả nước, hơn 4,3 triệu người, vượt 308% so với tiêu chuẩn. Bốn là tỉnh có tổng GRDP trên địa bàn nằm trong top một cả nước, gần 549.000 tỷ đồng.
Năm là tỉnh có 52 khu công nghiệp, nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam. Sáu là tỉnh có xã Trị An với diện tích to nhất nước, rộng tới 660 km², lớn hơn cả một thành phố nhỏ. Bảy là tỉnh tinh gọn xã, phường mạnh nhất cả nước: từ 263 xã, phường, thị trấn chỉ còn lại 95 đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Sân bay Long Thành, đẳng cấp nhất châu Á: 16 tỷ USD
Ai đã từng ghé qua Singapore, sẽ choáng ngợp với sân bay Changi hoa lệ: có rừng nhiệt đới trong nhà, thác nước cao 40m, trung tâm mua sắm sang chảnh. Nhưng tổng đầu tư cho kỳ quan đó chỉ khoảng 8 tỷ USD.
Sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan hiện đại, sầm uất, kết nối cả thế giới cũng chỉ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD. Ngay cả sân bay Incheon, niềm tự hào của Hàn Quốc với hơn 54 triệu lượt khách mỗi năm, cũng được hoàn thành với ngân sách chỉ 4,5 tỷ USD.

Trong khi đó, sân bay Long Thành của Việt Nam vốn đầu tư 16 tỷ USD, được thiết kế theo hình hoa sen, như viên ngọc mới lấp lánh của cả châu Á. Như vậy sân bay Long Thành lớn hơn tổng kinh phí của sân bay Changi (Singapore) cộng sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan).
Sân bay Long Thành với diện tích 5.000ha, lớn gấp gần 4 lần sân bay Changi (1.300ha). Công suất tối đa 100 triệu hành khách, cộng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm - ngang tầm với những sân bay lớn nhất thế giới như Atlanta hay Dubai. Thậm chí, riêng phần mái nhà ga nặng 5.300 tấn, cũng đủ để lập kỷ lục thế giới trong ngành xây dựng hàng không.
Đây không chỉ là sân bay, mà là biểu tượng của một Việt Nam hùng cường, sẵn sàng vươn lên trở thành trung tâm thương mại, tài chính và logistics quốc tế, mở rộng cánh cửa hội nhập ra toàn cầu. Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2026, siêu hiện đại, đi trước thời đại, sẽ là nơi cả thế giới phải nhắc tên. Và chúng ta, người Việt có quyền tự hào với cả thế giới.