Vỉa hè “đa năng” hay chỉ để đi bộ?

(ĐTTCO) - Bài viết này không nhắc lại những thông tin và số liệu khảo sát về kinh tế vỉa hè gắn với mặt tiền nhà phố, mà bàn về góc nhìn từ 2 phía: kế mưu sinh của người dân và giao thông đô thị.
Đa phần vỉa hè ở các đô thị đều bị chiếm dụng.
Đa phần vỉa hè ở các đô thị đều bị chiếm dụng.
 Tuy nhiên chúng tôi chỉ tìm hiểu vấn đề đang được đặt ra ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM hiện nay: liệu có thể khai thác kinh tế vỉa hè mà không ảnh hưởng đến giao thông của người đi bộ?
Nhìn lại việc thực hiện “đường thông, hè thoáng”
“Đường thông hè thoáng” được coi là “bộ mặt văn hóa”, là tiêu chuẩn của TP văn minh, hiện đại, nên luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành giao thông TPHCM. Vì vậy, trong tất cả các cuộc vận động như gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, TP nghĩa tình, xanh, sạch, đẹp… đều không thể thiếu nội dung “đường thông hè thoáng”, với các cuộc “ra quân” lập lại trật tự vỉa hè trả lại cho người đi bộ. Điển hình nhất là chiến dịch giải tỏa vỉa hè kéo dài 3 đợt diễn ra rất quyết liệt ở quận 1 trong tháng 2, 4 và 7-2017. 
Một Phó chủ tịch quận trực tiếp chỉ huy các nhân viên quản lý đô thị ra hiện trường thực thi nhiệm vụ. Các video giải tỏa vỉa hè được đưa lên mạng với nhiều cảnh tượng rất quyết liệt, như giằng co, van nài, ngăn cản, nổi nóng, to tiếng, và ra lệnh xử phạt tại chỗ… Có xe tải chở đồ bị tịch thu do buôn bán trái phép trên vỉa hè, xe hơi bị cẩu đi vì đậu không đúng chỗ, xe gầu múc phá vỡ những bức tường và mái che chìa ra, xe đục bê tông phá vỡ những bậc thềm xây lấn vỉa hè… Kết quả, những ngày đầu đã thực hiện được mục tiêu “hè thoáng”. 
Nhưng khi lực lượng chức năng chuyển sang giải tỏa khu khác, chỉ vài ngày sau nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị người buôn bán nhỏ tái chiếm. Chính những người thực hiện giải tỏa đã nói: giống như “bắt cóc bỏ dĩa, ném đá ao bèo” vì không thể đủ người để ngày nào cũng canh chừng tất cả vỉa hè trong quận… Sau 3 đợt giải tỏa vỉa hè ở quận 1, lãnh đạo TP không cho phép làm tiếp nên vỉa hè bị lấn chiếm ngày càng nhiều, những chỗ bị tháo dỡ nham nhở chưa kịp xây lại làm một số đoạn vỉa hè nhếch nhác hơn trước.
Vỉa hè “đa năng”  
Thất bại của cuộc chiến “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” ở quận 1 cho thấy không phải do chính quyền thiếu kiên quyết, thậm chí hơi quá mạnh tay, cũng không phải hoàn toàn do người dân phản đối chính quyền, mà vì nhu cầu mưu sinh trên vỉa hè của người dân lao động mạnh hơn nhiều so với nhu cầu của người đi bộ. Các số liệu sau đây chứng minh điều đó. 
Trong cuốn sách Sidewalk City (TP vỉa hè) của GS. Annattle, đã viết: “Kinh tế vỉa hè cung cấp 30% việc làm và lương thực thực phẩm cho TPHCM”. Còn theo Tổng cục Thống kê, kinh tế vỉa hè tạo ra 11-13% GDP cho TPHCM. Một nghiên cứu khác đưa thông tin những năm qua kinh tế vỉa hè đã tạo ra 11 triệu việc làm trong tổng số 22 triệu việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, tức khoảng 10% dân số cả nước dựa vào vỉa hè để mưu sinh. 
 Mặt khác, thực tế cho thấy nhu cầu đi bộ ở TPHCM chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, TP hơn 10 triệu dân nhưng có gần 7 triệu xe gắn máy, tức là 2 người có 1 xe máy, chưa kể các phương tiện khác, đủ cho  cả TP không phải đi bộ. Vậy nhu cầu đi bộ trong những trường hợp nào? Phần nhiều chỉ đi cự ly ngắn để mua hàng hóa ở các tiệm mặt tiền hoặc ăn vặt trên vỉa hè - nếu không có các gánh hàng rong người đi bộ càng ít hơn. Đã có những bài nghiên cứu về “hè thoáng” được minh họa bằng những bức ảnh: dưới lòng đường chật cứng các loại xe còn trên vỉa hè lác đác vài khách bộ hành…
Phải chăng khẩu hiệu “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” không còn phù hợp với thực tế ở TPHCM, vì như thế là hy sinh lợi ích của số đông vì một số rất ít? Nhìn từ mặt khác, buôn bán nhỏ trên vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc thù tồn tại lâu đời ở các đô thị Việt Nam. Một nhà “Hà Nội học” đã từng nói “nếu không có gánh hàng rong trên hè phố không còn là Hà Nội”. TPHCM cũng giống như thế và đó cũng là một trong những nét hấp dẫn khách du lịch đến từ những quốc gia không có hoạt động kinh tế vỉa hè.
Trên thực tế, ở các TP lớn nước ta, vỉa hè đã mang tính “đa năng”, trong đó chức năng dành cho người đi bộ không phải là vai trò chủ yếu và quan trọng nhất. Ngoài công năng lớn là không gian mưu sinh của rất nhiều người thuộc nhóm dân nghèo thành thị, trong từng trường hợp cụ thể, vỉa hè còn tham gia “giải cứu” những điểm kẹt xe cục bộ. Đã có không ít trường hợp xảy ra kẹt xe dười lòng đường, chính công an giao thông đã hướng dẫn cho xe máy thoát đi từ 2 bên vỉa hè. Bởi nếu cứ theo nguyên tắc cứng nhắc xe máy không được chạy trên vỉa hè, thời gian ùn tắc sẽ kéo dài rất lâu. 
Về việc tại nhiều vỉa hè, TP đã từng cho xây vật cản để ngăn xe máy, cũng như đã từng có chủ trương không cho đậu xe máy trên vỉa hè, nhưng không thực hiện được. Trong khi đó, dù TP có rất nhiều bãi giữ xe nhưng không đủ sức chứa cho gần 7 triệu xe máy. Có thể nói xe máy - vỉa hè - kinh tế vỉa hè, mặt tiền như bộ 3 “cộng sinh” không thể tách rời ở TPHCM. Vì vậy,  trước đây và hiện nay trên hầu hết vỉa hè chỗ nào cũng có rất nhiều chỗ đậu xe máy.  
Đa năng đang là xu hướng thiết kế ngày nay, hầu như bất cứ thứ gì có thể tích hợp được nhiều chức năng đều được tận dụng. Vỉa hè của đô thị ở Việt Nam phần lớn khá hẹp, có lẽ do xưa nay đều quy hoạch theo nguyên tắc của ngành giao thông: “vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ”.
Nhưng thực tế cuộc sống đang bắt vỉa hè phải “đa năng”. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với vỉa hè tự phát, mà tổ chức lại vỉa hè theo hướng đa năng vì lợi ích của nhiều đối tượng, theo nguyên tắc sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải đóng thuế với mức độ khác nhau. Đây là việc làm cần tham khảo ý kiến các chuyên gia đa ngành và điều tra xã hội học về nguyên vọng của người dân. 
Làm sao khai thác kinh tế vỉa hè không ảnh hưởng đến giao thông của người đi bộ? Câu trả lời ở ngay thực tế cuộc sống là buộc phải chấp nhận bị ảnh hưởng nhất định, vì lợi ích  kinh tế, xã hội của vỉa hè lớn hơn rất nhiều so với chỉ dành cho đi bộ.

Các tin khác