Làm ăn bết bát kéo dài
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 39 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng mạnh, thiếu điện buộc doanh nghiệp (DN) xi măng phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh. Kênh xuất khẩu cũng không khả dĩ hơn, đặc biệt các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng xuất khẩu xi măng sụt giảm kỷ lục.
Riêng đối với VICEM, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Theo VICEM, hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất còn làm ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên do BĐS đóng băng, cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng, Trung Quốc không nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong khi đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng mạnh.
Bức tranh ảm đạm của VICEM được phản ánh rõ nét hơn qua kết quả kinh doanh quý I của các công ty con. Đơn cử, CTCP Xi măng Bỉm Sơn - một trong những “con cưng” của VICEM, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm chỉ ghi nhận doanh thu đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ 2022 và lỗ sau thuế 48,6 tỷ đồng.
Hay Xi măng Hà Tiên, một trong số những công ty xi măng lớn nhất miền Nam, quý I ghi nhận khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay với gần 86 tỷ đồng. Dù Xi măng Hà Tiên đã có lãi trở lại trong quý II, song kết quả này vẫn không thấm tháp gì và vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ thị trường.
Đáng chú ý, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu đạt 1.926 tỷ đồng, dự kiến lỗ sau thuế 796,2 tỷ đồng, sẽ là năm thứ 8 liên tiếp DN này làm ăn thua lỗ.
Thực tế, sự mất cân đối cung cầu, làm ăn thua lỗ của các công ty con lẫn của VICEM không chỉ mới bắt đầu vào năm nay, mà đã kéo dài từ những năm trước. Trong đó, việc thị trường BĐS trong nước đóng băng, hay thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu xi măng của Việt Nam là “những giọt nước làm tràn ly”.
Báo cáo kinh doanh của VICEM trong hơn 2 năm qua cho thấy, sản lượng xi măng sụt giảm do các nhà máy không hoạt động hết công suất vì chi phí đầu vào tăng cao và thị trường hấp thụ chậm. Về sản xuất, clinker đạt 72,17 triệu tấn, xi măng đạt 83,66 triệu tấn, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ (xi măng và clinker) đạt 98,08 triệu tấn, chỉ bằng 58% so với mục tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ 2020-2025.
Kết quả, doanh thu sau hơn 2 năm chỉ đạt 101.059 tỷ đồng, bằng 46,2% so với mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ. Về lợi nhuận, VICEM đạt 3.798 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.313 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của VICEM đều không đạt được chỉ tiêu đã đề ra trước đó.
Không chỉ vì nguyên nhân khách quan
Về kết quả kinh doanh bết bát trên, VICEM lý giải do phải chịu nhiều sức ép từ tác động của thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, giá cả nguyên, nhiên liệu như than, xăng dầu, thạch cao tăng cao; thiếu nguồn cung, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao; đầu tư công giảm, thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do lượng cung vượt xa cầu, cạnh tranh gay gắt; thị trường BĐS trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xi măng…
Thực tế, đây là những nguyên nhân đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Do đó, cần phải nói thêm, ngoài những yếu tố khách quan, tình trạng bết bát của ngành xi măng còn có yếu tố con người và những sai lầm về đường lối phát triển, quy hoạch ngành.
Dư luận cho rằng, những lùm xùm xung quanh việc lãnh đạo vướng vòng lao lý đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN xi măng. Đơn cử, tại kỳ họp thứ 29, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật ông Bùi Hồng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.
Hay hồi tháng 2, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 6 bị can về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch. Trong số những người bị bắt tạm giam có ông Nguyễn Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Vicem vật liệu xây dựng Đà Nẵng.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Tại thời điểm bị khởi tố, ông Long đang là thành viên HĐQT của CTCP bao bì Hoàng Thạch. Công an tỉnh Hải Dương cũng bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Chảng (từng công tác tại Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch) để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, trong thời gian công tác tại Vicem Hoàng Thạch.
Vi phạm trong CPH, gây thất thoát NSNN
Trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố mới đây, VICEM đã vi phạm trong quá trình cổ phần hóa (CPH), dẫn đến thất thoát vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Theo TTCP, tại thời điểm thanh tra, VICEM vẫn chưa giải quyết triệt để một số khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 4 công ty, gây lỗ lũy kế lên đến 4.397 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.
Cụ thể, tỷ lệ sở hữu và vốn điều lệ của VICEM là 100% và đã đầu tư vào 4 công ty. Trong đó, VICEM Tam Điệp ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 1.087 tỷ đồng, VICEM Hải Phòng lỗ lũy kế 161 tỷ đồng. Đáng chú ý, VICEM Hạ Long ghi nhận số lỗ lũy kế 3.435 tỷ đồng, là khoản đầu tư từ Tổng công ty Sông Đà từ năm 2016. VICEM Sông Thao lỗ lũy kế lên tới 380 tỷ đồng, là khoản đầu tư từ Tổng công ty HUD năm 2017.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy, việc thực hiện sắp xếp lại, CPH và thoái vốn của VICEM đã có những vi phạm tài chính. Đơn cử, VICEM cùng 3 công ty con (VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch) vẫn chưa hoàn thành quá trình CPH. Nhưng qua kiểm tra, xem xét việc xử lý tài chính để CPH, khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại tổng công ty phải được xử lý (tạm tính) lên tới 3.011 tỷ đồng.
TTCP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của VICEM 2.910 tỷ đồng, cũng như xử lý khoản chênh lệch 101 tỷ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty VICEM Hải Phòng theo quy định.
Trong những tháng gần đây, một số DN là công ty con của VICEM đang có động thái “thay máu” lãnh đạo, nhằm xốc lại kinh doanh cho DN. Kết quả ra sao chưa rõ, song chặng đường phía trước của ngành xi măng trong những tháng còn lại của năm nay vẫn không mấy sáng sủa.
Hướng đi nào cho ngành xi măng trong bối cảnh hiện nay vẫn đang là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. Như chính đại diện VICEM thừa nhận, 2023 là năm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam.