Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi 'Danh sách Xám'?

(ĐTTCO) - Thoát khỏi Danh sách Xám trước năm 2025 là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam, trong đó cần nhận diện tài sản ảo và các nhà cung cấp tài sản ảo; tăng cường quy định, cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch tiền ảo.

Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi 'Danh sách Xám'?

Phải thoát khỏi Danh sách Xám trước 2025

Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), một quốc gia khi bị đưa vào Danh sách Xám của Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF), thì phần lớn các quốc gia đó có nguy cơ giảm trung bình 7,6% GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giảm trung bình 3% GDP, dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm trung bình 2,9% GDP, và dòng vốn đầu tư thông qua các kênh khác giảm trung bình 2,4% GDP.

Với Việt Nam, tháng 6, FATF đã đưa vào Danh sách giám sát tăng cường, còn gọi là Danh sách Xám. Ngày 18-10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền để triển khai các công việc nhằm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu “quyết liệt triển khai mọi biện pháp để trong vòng 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám”.

Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, từ tháng 10-2023, Việt Nam bị FATF đưa vào danh sách các quốc gia có hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo có tầm quan trọng, chính yếu của FATF. FATF có thể yêu cầu Việt Nam sẽ phải thực hiện các biện pháp ưu tiên nhằm triển khai khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản ảo.

Như vậy, việc thoát khỏi Danh sách Xám trước năm 2025 là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam, trong đó tăng cường quy định, cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số, tiền ảo) là một yêu cầu cấp bách. Đặc biệt là luật hóa các định nghĩa cơ bản về tài sản ảo (VA) cũng như các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), để các cơ quan chính phủ có hành lang thực thi quản lý nhà nước, và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Rủi ro từ các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo

Thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền mã hóa. Theo ông Trần Dinh, Trưởng ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), hiện các VASP có thể phân loại thành nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, phổ biến nhất tại Việt Nam là các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung.

Theo nền tảng tổng hợp và cập nhật thông tin về tiền điện tử CoinMarketCap (CMC), hiện có tới 226 sàn giao dịch tập trung (CEX) và gần 500 sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tổng khối lượng giao dịch hàng ngày đạt gần 58 tỷ USD.

Tại thị trường Việt Nam, theo Wall Street Journal, chỉ tính riêng tháng 5, khối lượng giao dịch của người dùng trên sàn giao dịch tập trung lớn nhất thế giới là Binance, đã đạt hơn 20 tỷ USD. Đó là chưa kể đến giao dịch trên các sàn khác như HTX (Huobi đổi tên), MEXC, ByBit, KuCoin, BingX, Gate.io...

Đặc điểm chung của các VASP là thiếu minh bạch và thường xuyên có nguy cơ bị hacker tấn công, dẫn đến phá sản, nên rủi ro cho người giao dịch trên các sàn cũng luôn tiềm ẩn. Đó là bị đánh cắp dữ liệu cá nhân, có thể bị sàn đóng băng tài sản bất kỳ lúc nào, vì các sàn quản lý theo hình thức tập trung tất cả các dịch vụ và không được nhà nước giám sát. Do đó, nếu xảy ra tranh chấp, người sử dụng các sàn hoàn toàn không được bảo vệ.

Thế giới còn nhớ vụ nổi tiếng hồi tháng 2-2014, khi MT.Gox - sàn giao dịch tập trung lớn nhất thế giới, bị tin tặc tấn công làm thiệt hại khoảng 650.000 Bitcoin (BTC). Do không có quy định cụ thể, nên suốt 9 năm đi tìm công lý đến nay nhà đầu tư trên sàn MT.Gox vẫn chưa thu hồi được tài sản.

Hay như sàn giao dịch lớn thứ hai thế giới là FTX tuyên bố phá sản vào tháng 11-2022, gây thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD. Và phần lớn nhà đầu tư trên sàn FTX, trong đó có nhiều người Việt Nam, có thể mất toàn bộ tài sản lưu giữ trên sàn này cũng bởi thiếu quy định bảo vệ phù hợp.

Minh bạch thị trường tiền ảo, bảo vệ nhà đầu tư

Ông Trần Dinh cho rằng, quá trình phát triển “nóng” của các VASP hiện nay đang gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, như vấn đề pháp lý, thiếu nhân lực thực thi và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Tình trạng thiếu quy định nếu tiếp tục để kéo dài, sẽ gây ra một số tác động tiêu cực như thất thu thuế, tăng nguy cơ rửa tiền và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Để nhanh chóng ra khỏi Danh sách Xám, minh bạch thị trường tiền mã hóa và bảo vệ nhà đầu tư, ông Trần Dinh khuyến nghị: Việt Nam cần nhanh chóng nhận diện VA và VASP, tiến tới quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành, trong khi tiếp tục nghiên cứu và chờ đợi ban hành các quy định mới.

Một số kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo như tại Mỹ, từ năm 2014, tiền mã hóa được coi là tài sản và áp đặt thuế thu nhập lãi vốn trên các giao dịch. Cơ quan Chống Tội phạm Tài chính (FinCEN) của nước này cũng dựa trên Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA), để đưa ra một quy tắc tương tự của FATF vào năm 2019, yêu cầu các VASP phải thu thập và trao đổi thông tin về người gửi, người nhận của các giao dịch.

Còn Nghị viện Châu Âu đã thông qua Đạo luật về thị trường tiền mã hóa (MiCA) vào tháng 4-2023. Theo đó yêu cầu các VASP thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và cải thiện quản trị, đồng thời mở rộng các thực thể phải tuân thủ quy định AML của châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2024.

Đáng chú ý, một quốc gia cũng nằm trong Danh sách Xám của FATF giống Việt Nam là UAE, vào ngày 6-11 đã công bố hướng dẫn chung dành cho các VASP, bao gồm các hình phạt dân sự, thậm chí là hình sự đối với VASP hoạt động không phép. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của UAE nhằm thoát khỏi Danh sách Xám.

Với biến động giá hấp dẫn và những chiến dịch truyền thông lớn, các VASP như Binance, Huobi, MEXC, Gate.io, BingX... gần như hoạt động công khai tại Việt Nam, thậm chí còn len lỏi vào giảng đường đại học và liên tục thu hút nhà đầu tư. Trong khi Việt Nam chưa có bất kỳ cơ quan hay văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào để quản lý các hoạt động này.

Các tin khác