Việt Nam cán mốc 100 triệu dân

(ĐTTCO) - Đây được đánh giá là cột mốc đặc biệt quan trọng, là cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, tình trạng già hóa dân số và mất cân bằng giới tính.
Việt Nam cán mốc 100 triệu dân

Theo TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4-2023, dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người. Với 100 triệu người sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Tổng cục Dân số đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) và các bộ, ngành chức năng xây dựng chương trình hoạt động, chủ đề và các thông điệp để lan tỏa sự kiện rất quan trọng này của đất nước.

TS Phạm Vũ Hoàng khẳng định, với quy mô 100 triệu người sẽ đem đến nguồn nhân lực to lớn về nhiều mặt cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và hiện nay, với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người, cung cấp nguồn lực lao động vô cùng to lớn cho đất nước.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định, việc đạt quy mô dân số 100 triệu người là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia. Đây sẽ là cơ hội nếu đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động. Song, đây cũng là thách thức lớn khi xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh.

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, dân số 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và là động lực mạnh mẽ của đất nước.

Do đó, 100 triệu người vào năm 2023 không chỉ là con số mà đó là tầm nhìn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lấy cơ hội hóa giải thách thức

Theo UNFPA, nhờ những tiến bộ trong nỗ lực cải thiện tình trạng kinh tế - xã hội, Việt Nam có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực lành nghề ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước khi có 21,1% dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24.

Dự kiến, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2039, với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là khi mức sinh giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình già hóa dân số. Mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có, dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh con đang phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.

Khẳng định Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội khi đạt 100 triệu dân, nhưng TS Phạm Vũ Hoàng cũng nhìn nhận sẽ có nhiều thách thức trong tương lai. Đó là các vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi bước vào thời kỳ dân số già.

Ông Nguyễn Trung Tiến cũng phân tích, cả nước hiện có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thu nhập bình quân của người lao động không cao (bình quân 6,7 triệu đồng/tháng vào năm 2022). Trong đó, nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có thu nhập bình quân chỉ 5,7 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao gấp 1,6 lần, với khoảng 9,3 triệu đồng/tháng.

Để hóa giải những thách thức trên, ông Tiến cho rằng, cần nâng cao nhận thức của người lao động, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; phát huy liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp để nhanh chóng ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam: Hành động để phát triển bền vững

Trên lộ trình phát triển bền vững của Việt Nam, cần nhấn mạnh con người là giải pháp, không phải là vấn đề. Vấn đề không nằm ở số lượng người nhiều hơn hay ít hơn, mà là đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng hơn.

Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.

Những thay đổi quan trọng về cơ cấu dân số đang diễn ra tại Việt Nam như một phần của xu hướng lớn toàn cầu. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần lồng ghép một cách thận trọng yếu tố biến động dân số và phân tích nhân khẩu học vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững.

Hơn nữa, với vấn đề già hóa dân số, an sinh xã hội cũng như các cơ chế hỗ trợ và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi cần phải được đảm bảo bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời, khuyến khích người cao tuổi tiếp tục và mở rộng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thảo Lê ghi

Các tin khác