Cuộc thi được tổ chức với mục đích khai thác tiềm năng sáng tạo của giới trẻ và sức mạnh của công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động và là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Thử thách Công dân số 2022” chào đón tất cả đối tượng tham gia bao gồm sinh viên, lập trình viên, nhà thiết kế, doanh nhân,… từ độ tuổi 18 đến 30 (không giới hạn vị trí địa lý, dân tộc) có ý tưởng và khả năng trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, khởi nghiệp, hoặc các lĩnh vực thuộc đề bài của cuộc thi (Dịch vụ hành chính công, và Hỗ trợ doanh nghiệp).
Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, Việt Nam hiện có hơn 23 triệu thanh niên, chiếm gần 1/4 dân số. Thanh niên là động lực chính tạo ra sự thay đổi, với năng lượng, cam kết và ý tưởng đổi mới sáng tạo tạo ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển quốc gia và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo bảng xếp hạng mới được công bố bởi StartupBlink - Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam đã giành được vị trí thứ 5, thay thế Philippines, và trở thành 'Quốc gia tốt nhất cho khởi nghiệp năm 2022' của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sự tham gia của thanh niên trong hoạt động quản trị vẫn còn thấp. Nếu được hỗ trợ, nâng cao năng lực và có thêm không gian, thanh niên có thế phát huy sức mạnh của mình và tham gia tích cực vào các hoạt động công dân.
Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử – EGDI của Liên hợp quốc, năm 2020 Việt Nam đã chuyển dịch từ nhóm EGDI trung bình lên nhóm EGDI cao, tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng chung và xếp thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tháng 6-2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tập trung vào 3 trụ cột là Chính phủ điện tử, Kinh tế điện tử và Xã hội điện tử. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một văn bản chiến lược cấp quốc gia trong lĩnh vực chính phủ điện tử. Chương trình này bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm đưa 80% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025.
Cuộc thi “Thử thách Công dân số 2022” được chia làm 4 giai đoạn chính: + Giai đoạn 1 (từ ngày 6 đến 20-12-2022): Mở đơn đăng ký và vòng sơ khảo. Các lĩnh vực thuộc đề bài cuộc thi mà các đội có thể thử sức bao gồm dịch vụ hành chính công, và Hỗ trợ doanh nghiệp. + Giai đoạn 2 (từ ngày 28-12-2022): Top 10 đội có ý tưởng xuất sắc nhất để tham gia đào tạo chuyên sâu với những chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ UNDP, Cục PTTTDN, các cơ sở ươm tạo và tăng tốc, và các công ty khởi nghiệp đang phát triển ở Việt Nam để phát triển ý tưởng của đội mình một cách sâu sắc hơn. + Giai đoạn 3 (từ ngày 7 đến 8-1-2023): Vòng thi chung kết (hackathon) vô cùng sôi động diễn ra trong 2 ngày. Vòng thi chung kết sẽ tạo ra một sân chơi năng động, sáng tạo nơi thanh niên Việt Nam cùng nhau hoàn thiện những giải pháp công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam. + Giai đoạn 4: Ba đội thi xuất sắc nhất do Ban Giám Khảo lựa chọn từ vòng chung kết. Ba đội chiến thắng sẽ có cơ hội nhận được phần thưởng tiền mặt có giá trị lên tới 50.000.000 VNĐ cùng với các hỗ trợ đến từ các nhà tài trợ và đối tác chương trình. Các ý tưởng đủ điều kiện sẽ được Cục PTTTDN lựa chọn thí điểm để nâng cao chất lượng dịch vụ công điện tử và tạo ra mạng lưới các nhà tiên phong đổi mới sáng tạo năng động và toàn diện hơn tại Việt Nam. |