Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các DN lớn trên thế giới.
Những ngày cuối 2023 và ngay trong ngày đầu năm mới 2024, nhiều khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đang được khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quỹ đất để sẵn sàng đón các DN lớn. Tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, thuộc huyện Bình Xuyên hện đã hoàn thiện xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu công nghiệp này đã thu hút được hơn 50 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Ông Nguyễn Công Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay quỹ đất sạch dành cho các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang có khoảng 200 - 300ha. “Các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc cần diện tích 23-30 hay 50ha tỉn đã sẵn sàng quỹ đất sạch. UBND tỉnh và các Sở, ngành sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư làm thủ tục một cách nhanh nhất. Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết cho nhiều DN cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các giấy phép khác chỉ trong 3-5 ngày”, ông Thắng thông tin.
Năm 2023, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Những yếu tố quan trọng tạo nên cơ hội trong thu hút FDT vào Việt Nam chính là sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên để nắm bắt cơ hội thu hút FDI chất lượng cao, đòi hỏi các Bộ, ngành địa phương cần xúc tiến đầu tư có trọng điểm. Trong đó ưu tiên tiếp xúc với các DN có công nghệ mới, hiện đại, thân thiện môi trườn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời phải khắc phục các rào cản để khơi thông làn sóng đầu tư đó.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các DN lớn họ rất quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh, nên sẽ là vấn đề đặt ra cho Việt Nam cần nâng cấp môi trường đầu tư.
“Vấn đề thứ hai là Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, việc này đã được thực hiện quyết liệt trong những năm vừa qua, nhất là việc đẩy mạnh đầu tư công và huy động sự tham gia rất lớn của khu vực tư nhân, để cải thiện cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa để cải thiện bộ mặt mới, tâm thế mới, từ đó rút ngắn được khoảng cách đến thị trường, giảm bớt chi phí về logistic, giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.