Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13-6-2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm. Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13-14% trong GDP.
Về thị trường, đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2021-2025 phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030 sẽ đẩy mạnh khai thác các phân đoạn thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày, các thị trường mới về du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.
Với thị trường quốc tế, giai đoạn 2021-2025, phục hồi các thị trường truyền thống, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030 là duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống, các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Đông Âu, châu Đại dương; đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.
Về định hướng phát triển sản phẩm, sẽ khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, sẽ ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thị trường, tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm và các thị trường mới; duy trì hoạt động xúc tiến thị trường đối với các thị trường du lịch quốc tế truyền thống.
Về nhân lực, sẽ xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch; công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch từng bước hội nhập tiêu chuẩn nghề trong khu vực; tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp.