Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ông Saonil Miguenz Ruben, Phó Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân Việt Nam trong chống khai thác IUU theo như khuyến nghị của EC.
Theo ông Saonil Miguenz Ruben, để tuân theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản đi kèm đều hướng tới việc phát triển thủy sản và nghề cá bền vững.
Và để thực thi nghiêm ngặt, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU, trong đó, yêu cầu các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Điều này cho thấy Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt so với kết quả kiểm tra lần trước.
Tính đến ngày 31/8/2020, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 mét trở lên đạt tỷ lệ 80,61%. Trong đó, tàu cá từ 24 mét trở lên là 2.204/2.600 tàu đạt tỷ lệ 84,77%. Còn tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét đã lắp đặt 22.667/28.251 tàu đạt tỷ lệ 80,23%.
Ông Saonil Miguenz Ruben còn đánh giá cao việc Việt Nam tích cực triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản trong chuỗi cung ứng thủy sản theo các công đoạn từ giám sát đánh bắt, cập cảng, nhập khẩu cho đến chế biến và lưu thông trên thị trường cũng như kiểm soát tốt việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng.
Bên cạnh đó, việc đóng tàu mới đều theo tiêu chuẩn Luật quy định cũng như tiêu chuẩn châu Âu đã có khuyến cáo Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tiến hành lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản để từ đó quy hoạch lại đội tàu khai thác cho phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Bước đầu đã triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), kiểm soát thủy sản, nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam.
Việt Nam đã tích cực đóng góp sáng kiến cho các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá bền vững (Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa - UNFSA; Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của FAO-PSMA), thành lập mạng lưới chống khai thác IUU của các nước trong khu vực (ASEAN IUU Network).
Theo ông Saonil Miguenz Ruben, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, EU là thị trường tiêu thụ thủy sản rất lớn, khoảng 22 kg/người/năm. Vì vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội tuyệt vời cho thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên để xuất khẩu thủy sản sang EU thuận lợi, ông Saonil Miguenz Ruben lưu ý các sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc, tránh đánh bắt bất hợp pháp.
Cùng với đó các sản phẩm thủy sản phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và dán nhãn sản phẩm, cũng như phải tuân theo tiêu chuẩn về vệ sinh theo khuyến cáo của EU.
Những giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm có thể theo tiêu chuẩn như IFS hoặc BRC.
Ngoài tiêu chuẩn trên, sản phẩm thủy sản vào thị trường châu Âu cũng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường.
“Hiệp định EVFTA với ưu đãi đặc biệt về thuế quan mở ra tiềm năng lớn hơn nữa cho các sản phẩmcá ngừViệt Nam. Tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%) và tháng 9 là 11,9 triệu USD tăng 13,3% so với các tháng trước đó,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết. |